VietinBank chủ động tiết giảm chi phí hoạt động, tiết giảm chi phí vốn để tạo điều kiện giảm sâu lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng - Ảnh: VIETINBANK
Chia sẻ với báo giới, TS. Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank khẳng định như vậy. Ông cho rằng đại dịch COVID-19 đã tác động toàn diện đến các nền kinh tế cũng như đời sống xã hội.
Chung tay cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng sau đại dịch, hệ thống ngân hàng nói, trong đó có VietinBank đã nỗ lực bám sát diễn biến tình hình, chỉ đạo của Chính phủ, ngân hàng Nhà nước để triển khai đồng bộ các giải pháp trên toàn hệ thống.
Không đợi đến khi mặt bằng lãi suất huy động giảm, ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc và có ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong nước, VietinBank đã chủ động rà soát tất cả khách hàng thuộc các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp.
Qua đó, ngân hàng đã phân loại mức độ ảnh hưởng và đưa ra những chính sách phù hợp nhằm chia sẻ và hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bên cạnh đó, VietinBank cũng dựa theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, người dân để chủ động cung ứng lượng tín dụng hợp lý, kịp thời, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn chính đáng và cần thiết của doanh nghiệp và người dân.
Những nỗ lực mà VietinBank chia sẻ là để ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho đất nước.
Theo ông Thọ, giảm lãi suất cho vay là động thái tích cực đầu tiên của VietinBank hỗ trợ khách hàng duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống.
Cụ thể, VietinBank đã hạ lãi suất cho vay từ 2 - 2,5%/ năm cho khách vay hoạt động kinh doanh thuộc các ngành nghề ưu tiên, lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế.
Theo đó, VietinBank đã giảm lãi suất cho 8.795 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với số tiền lãi là 1.687 tỉ đồng.
Ngoài giảm lãi vay, VietinBank còn cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách vay bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Ước tính đến hết tháng 8, có 1.520 khách hàng với dư nợ là 62.055 tỉ đồng được giữ nguyên nhóm nợ. Số tiền cơ cấu theo thông tư 1 là 8.400 tỉ đồng.
Đồng thời, VietinBank còn giải ngân cho vay mới 276.591 tỉ đồng cho 6.557 khách hàng.
"Chúng tôi dự kiến trong năm 2020 sẽ dành khoảng 3.000 - 4.000 tỉ đồng từ việc giảm lợi nhuận của ngân hàng để hỗ trợ cho nền kinh tế thông qua việc giảm lãi suất cho vay, miễn, giảm phí dịch vụ cho doanh nghiệp và người dân.
Như việc hạ lãi suất cho vay tính đến hết tháng 8 vừa rồi khiến lợi nhuận của ngân hàng giảm khoảng 2.000 tỉ đồng. VietinBank còn tiết giảm phí dịch vụ khoảng 500 tỉ - 600 tỉ đồng để chia sẻ khó khăn với khách vay" - ông Lê Đức Thọ thông tin.
Với các ưu đãi về lãi suất, kết hợp với những chính sách ưu đãi và hỗ trợ khác (cơ cấu nợ, miễn giảm phí…), các khách hàng đã hấp thụ tốt vốn ưu đãi mà VietinBank cung ứng ra thị trường.
Đặc biệt, chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho hay ngân hàng này cũng đang triển khai các chương trình để đầu tư, tạo ra những hạ tầng tốt trong các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế lớn của cả nước, góp phần xây dựng hệ thống hạ tầng tốt để sẵn sàng đón những dòng vốn đầu tư mới kể cả trong nước và nước ngoài đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam.
Các chuyên gia đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đã gây ra rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng tạo ra cơ hội mới cho các nền kinh tế. Đó là cơ hội tái cấu trúc lại hệ thống kinh tế của các quốc gia. Với doanh nghiệp, việc tái cấu trúc hoạt động giúp có thể chủ động ứng phó linh hoạt, hiệu quả với những thay đổi của tình hình mới.
Theo ông Lê Đức Thọ, VietinBank đang đẩy mạnh việc tái cấu trúc hệ thống đặc biệt là chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp điều kiện thực tiễn của thị trường cũng như yêu cầu mới. Mục tiêu của quá trình tái cấu trúc mà VietinBank hướng đến là phát triển nhanh, hiệu quả, an toàn và đạt được yêu cầu phát triển bền vững.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận