Thông tin tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được tổ chức hôm nay 9-1, ông Nguyễn Thanh Tùng - phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành Vietcombank - cho biết trong năm 2022, Vietcombank đã hoàn thành việc xây dựng phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.
Và trong năm 2023, một trong sáu trọng tâm mà ngân hàng này sẽ tập trung là triển khai đúng tiến độ đối với phương án nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém này.
Về các chỉ tiêu kinh doanh đặt ra trong năm nay, Vietcombank phấn đấu tín dụng tăng 12,8%, lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm 2022, nợ xấu dưới 1,5%…
Để đạt được những chỉ tiêu trên, ông Tùng cho hay Vietcombank sẽ kiểm soát tốt tăng trưởng tín dụng theo trần tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, ngân hàng này sẽ giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động và chất lượng tín dụng của khách hàng, đặc biệt là khách hàng có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; chủ động rút giảm dư nợ đối với nhóm khách hàng có hiệu quả thấp, rủi ro tiềm ẩn cao.
Liên quan đến việc xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, theo báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng đã phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021 - 2025, trong đó hoàn thiện khung pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng...
Chính phủ cũng báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị cơ chế xử lý với các ngân hàng yếu kém và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB); tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Bốn ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay gồm Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) và ba ngân hàng TMCP mua bắt buộc là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank).
Riêng với SCB, từ cuối tháng 10, Ngân hàng Nhà nước đã đưa tổ chức tín dụng này vào diện kiểm soát đặc biệt. Đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục kiểm soát ngân hàng này và từng bước duy trì hoạt động ổn định và hạn chế những khó khăn cho SCB.
Về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022, Vietcombank cho hay tín dụng tăng trưởng vượt mốc gần 1,15 triệu tỉ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021.
Tỉ lệ nợ xấu ở mức 0,67%, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch được giao. Dư quỹ dự phòng rủi ro là 35.603 tỉ đồng. Tỉ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng với 465%.
Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng gần 39% so với năm 2021 (năm 2021 lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt hơn 27.388 tỉ đồng - PV).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận