26/07/2023 08:18 GMT+7

Việt - Ý bén rễ bền chặt từ lịch sử

Chiều 25-7, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân rời Vienna để bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Ý và thăm Tòa thánh Vatican.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân đến sân bay quốc tế Fiumicino chiều 25-7 (giờ địa phương), bắt đầu thăm cấp nhà nước Ý và thăm Tòa thánh Vatican - Ảnh: NGUYỄN HỒNG/Báo Thế giới và Việt Nam

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân đến sân bay quốc tế Fiumicino chiều 25-7 (giờ địa phương), bắt đầu thăm cấp nhà nước Ý và thăm Tòa thánh Vatican - Ảnh: NGUYỄN HỒNG/Báo Thế giới và Việt Nam

Nhận định với Tuổi Trẻ, TS Fabio Figiaconi - chuyên nghiên cứu về quan hệ của Ý với các nước Đông Nam Á - cho biết chuyến thăm "là một cách hoàn hảo" để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ và 10 năm Đối tác chiến lược.

Mở rộng hợp tác

Với TS Figiaconi, để tóm gọn sự phát triển của quan hệ hai nước trong nửa thế kỷ qua, ông đã trích dẫn một lá thư của Tổng thống Sergio Mattarella gửi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ vào tháng 3-2023.

Trong đó, nhà lãnh đạo Ý nhấn mạnh quan hệ hai nước đã "bén rễ bền chặt từ lịch sử". Tổng thống Sergio Mattarella cũng chia sẻ cách hai nước mở rộng hợp tác vốn đã có nhiều kết quả không chỉ song phương mà còn trong các thể chế khu vực và đa phương, cùng nhau hợp tác trong các vấn đề toàn cầu quan trọng.

Theo ông Figiaconi, kể từ khi quyết định nâng tầm quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược cách đây 10 năm, hai nước đã và đang mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, hai bên đã thiết lập các cơ chế tham vấn khá thành công, như Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế và Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ.

Một ví dụ khác về hợp tác cùng có lợi là trong đại dịch COVID-19, khi Việt Nam viện trợ cho Ý khoảng 300.000 khẩu trang và Ý đã đáp lại bằng việc tặng Việt Nam 2,8 triệu liều vắc xin COVID-19.

"Tầm quan trọng của những vấn đề này minh chứng rõ ràng mức độ sâu rộng và đa cấu trúc của mối quan hệ trong thập niên qua. Chuyến thăm của Chủ tịch nước không chỉ tổng kết những gì đã đạt được trong những năm qua mà còn đồng thời mở đường cho những nỗ lực chung trong tương lai và mới", chuyên gia Figiaconi nhận định.

Nguồn: Bộ Ngoại giao. Dữ liệu: DUY LINH - Đồ họa: TUẤN ANH

Nguồn: Bộ Ngoại giao. Dữ liệu: DUY LINH - Đồ họa: TUẤN ANH

Thúc đẩy quan hệ EU - ASEAN

Không chỉ là thành viên G7, Ý còn là thành viên sáng lập Liên minh châu Âu (EU). Chuyến thăm của Chủ tịch nước, vì lẽ đó được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ giữa Ý với ASEAN nói riêng và EU - ASEAN nói chung. Theo TS Figiaconi, Ý xem Việt Nam là một trong những cơ sở tham chiếu chính trong khối ASEAN và là một đối tác không thể thiếu ở khu vực.

Điều này xuất phát từ thực tế Việt Nam là đối tác thương mại chính của Ý ở Đông Nam Á. Ý hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong EU sau Đức và Hà Lan, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Ý trong ASEAN. Nhiều doanh nghiệp Ý đã có sự hiện diện lâu dài tại Việt Nam và đang sử dụng Việt Nam như một cánh cửa cơ hội để mở rộng sự hiện diện tại thị trường ASEAN đang phát triển.

Cũng theo ông Figiaconi, Ý nhìn thấy ở Việt Nam hình ảnh một quốc gia có "sức nặng chính trị" trong việc góp phần định hình quá trình ra quyết định của ASEAN. "Chính điều này đã biến Việt Nam trở thành một đối tác ngoại giao rất có giá trị của Ý trong khu vực", vị chuyên gia thuộc Đại học Tự do Brussel (VUB, đặt tại Bỉ) khẳng định.

TS Figiaconi cũng tin rằng "Quan hệ đối tác phát triển" mà Ý đã ký kết với ASEAN vào năm 2020 sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. "Đây sẽ là cơ sở thể chế để tăng cường các dự án hiện có và khởi động các hợp tác mới của Ý với Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên đã được xác định, chẳng hạn như phát triển bền vững, an ninh mạng, cơ giới hóa nông nghiệp, phát triển bền vững biển và vùng duyên hải, bảo vệ môi trường", ông Figiaconi lưu ý.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Bùi Nhật Quang, chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Ý, tin rằng hợp tác chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững sẽ là một lĩnh vực hợp tác tiềm năng, đáng quan tâm giữa hai nước. Theo ông Quang, Ý có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, giúp Việt Nam tăng trưởng xanh và giảm tác động của biến đổi khí hậu hướng tới tương lai phát triển bền vững.

"Ý là một quốc gia thành viên của nhóm G7, một thành viên của EU nên có tiếng nói đóng góp quan trọng. Do đó chúng ta cần tranh thủ hơn nữa sự ủng hộ của Ý", ông Quang nói với Tuổi Trẻ.

Kỷ niệm đặc biệt 50 năm quan hệ Việt - Ý

Tối 25-7 theo giờ Việt Nam, chuyên cơ chở Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao đã tới Rome. Hôm nay 26-7, lễ đón chính thức Chủ tịch nước sẽ diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng thống Ý Sergio Mattarella.

Hai nhà lãnh đạo sau đó sẽ bước vào cuộc gặp hẹp và hội đàm. Chủ tịch nước cũng sẽ gặp lãnh đạo Chính phủ, Hạ viện Ý và thị trưởng Rome. Một chương trình đặc biệt kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ diễn ra trong tối cùng ngày.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Rome, bắt đầu thăm Ý và Tòa thánh VaticanChủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Rome, bắt đầu thăm Ý và Tòa thánh Vatican

Nhận bó hoa tươi thắm từ đại diện Bộ Ngoại giao Áo tại sân bay quốc tế Vienna, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân lên chuyên cơ rời Áo và đến Ý hơn 1 tiếng sau đó.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp