11/11/2018 11:06 GMT+7

Viết, vẽ bậy lên di tích: Cần phạt nặng!

NGỌC HIỂN - THÁI LỘC -  NHẬT LINH - THIÊN ĐIỂU
NGỌC HIỂN - THÁI LỘC - NHẬT LINH - THIÊN ĐIỂU

TTO - Từ việc Nhật Bản mở cuộc điều tra truy tìm thủ phạm vẽ bậy lên di tích lịch sử của quốc gia nghi là người Việt Nam làm, thử nhìn lại tình trạng này ở nước ta. Làm cách gì để ngăn chặn hành vi vô văn hóa này?

Viết, vẽ bậy lên di tích: Cần phạt nặng! - Ảnh 1.

Những hình ảnh viết, vẽ bậy gần kín trên rùa đá và bia đá chùa Thiên Mụ - Ảnh: NHẬT LINH

Giới chức Nhật Bản đang mở cuộc điều tra truy tìm thủ phạm lên của quốc gia này, được phát hiện ngày 26-10, nghi là người Việt Nam.

Đó là chữ A.HÀO cùng hai ký hiệu hình ngôi sao và trái tim trên một phiến đá di tích thành cổ Yonago, tỉnh Tottori.

Sự việc không chỉ dấy lên sự phẫn nộ ở cộng đồng người Nhật mà còn dấy lên sự giận dữ, nỗi lo ngại và xấu hổ ở cả người Việt.

Nhìn lại, các di tích lịch sử, văn hóa, di vật ở nước ta còn bị chính người Việt hủy hoại kinh khủng hơn. Làm cách gì để ngăn chặn hành vi vô văn hóa này để bảo vệ di sản?

Giám sát kỹ, phạt nặng và giáo dục từ nhỏ

* Nhà nghiên cứu NGUYỄN XUÂN HOA (nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Thừa Thiên - Huế):

Phải xử bằng luật, đừng kêu gọi suông

Đây là tệ trạng nhức nhối ở nhiều di tích trên cả nước, đặc biệt ở Huế. Trong khi đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý thực hiện rất hời hợt. Theo tôi, nhân vụ việc xảy ra ở Nhật Bản, cần thiết phải có sự lên tiếng báo động, tiếp đến là đặt vấn đề giải quyết từ cấp thiết trước mắt, cho đến giải pháp căn cơ, lâu dài.

Trước tiên, các cơ quan quản lý di tích phải có sự phối hợp làm sạch, tẩy xóa một cách triệt để tệ trạng viết vẽ bậy trên các di tích - di vật, tránh trường hợp người dân và du khách đến đó thấy người khác viết được thì mình cũng viết được.

Phải có những bảng cấm, cảnh báo nghiêm khắc, đề ra hình phạt theo luật định, chứ không thể là những bảng biển với nội dung rất hiền lành, kêu gọi, nài nỉ như "Xin vui lòng không viết vẽ bậy lên tường"...

Kế đến, tại các di tích - di vật cần có bảng giới thiệu, có thể vắn tắt thôi, về niên đại, các giá trị văn hóa lịch sử... để từ đó người xem hiểu phần nào giá trị và sẽ ngần ngại nếu có ý định xâm hại.

Về giải pháp căn cơ, thứ nhất, cần có những điều chỉnh để pháp luật được thực hiện một cách nghiêm túc, nghiêm khắc.

Ta thấy Nhật Bản đang truy tìm ráo riết "A.Hào" nghi là người Việt; hay từ trước đó, Thái Lan đã kết án 10 năm tù cho 1 người Canada và 1 người Anh vì đã vẽ bậy lên bức tường cổ ở Chiang Mai.

Phải có những ràng buộc pháp lý cụ thể và nghiêm khắc như vậy để người ta ngần ngại vi phạm, nhất là khi bắt quả tang phải xử lý nghiêm bằng luật chứ không đơn giản cho qua chuyện.

Căn cơ hơn là phải bắt đầu từ giáo dục, cần phải đưa vào giáo dục nhân cách, hành xử văn hóa, tôn trọng những giá trị di sản văn hóa ngay từ lứa tuổi học sinh bậc mầm non, càng lên các bậc học càng phải có những môn học về văn hóa, văn minh để xây dựng nhân cách văn hóa cho người Việt Nam ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường...

* Bà HUỲNH THỊ ANH VÂN (giám đốc bảo tàng cổ vật cung đình thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế):

Tăng cường bảo vệ, đặt camera giám sát

Việc ngăn chặn, không cho du khách viết, vẽ bậy lên các di tích đã được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế triển khai từ rất lâu.

Biện pháp được chúng tôi áp dụng chủ yếu là tăng cường lực lượng bảo vệ và cắm biển báo cấm viết bậy, dựng hàng rào cách ly tại các điểm di tích nhằm hạn chế du khách tiếp cận đến các hiện vật, bảo vật. Chúng tôi cũng đã cho lắp đặt camera giám sát.

Theo luật, người viết, vẽ bậy có thể bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng. Tuy nhiên ở Huế, chúng tôi chủ yếu nhắc nhở, giáo dục và buộc dừng lại khi phát hiện hành vi vẽ bậy của du khách chứ không đến mức phải lập biên bản.

Hiện các điểm di tích có lực lượng bảo vệ của trung tâm túc trực, việc vẽ bậy hầu như không còn.

Riêng ở các điểm di tích có sự phối hợp giữa trung tâm và đơn vị khác trong quản lý, đặc biệt là ở các ngôi chùa thì việc bảo vệ di tích khỏi nạn vẽ bậy đang còn gặp nhiều khó khăn.

Ví như ở chùa Thiên Mụ, trước đây chúng tôi có cho đặt rào chắn ở quanh quả đại hồng chung từ khi quả chuông được công nhận là bảo vật quốc gia.

Tuy nhiên đến nay, phía nhà chùa không muốn như vậy vì có thể ảnh hưởng đến mọi người đến cửa Phật nên đã cho tháo dỡ rào chắn, chỉ để lại một tấm biển ghi tiếng Việt là "Xin quý khách vui lòng không viết vẽ lên tường".

Đây cũng có thể là lý do khiến nhiều nét vẽ bậy xuất hiện lại trên chuông và các bia đá trong chùa.

* Bà NGÔ ĐÌNH PHỤNG YẾN (TP.HCM):

Gạt đi ích kỷ, hướng đến cộng đồng

Tôi nghĩ khi ta yêu thích một điều gì đó thì trước tiên hãy nghĩ cho nó, tôn trọng nó, thay vì đặt cái mong muốn của bản thân ta lên hết thảy.

Khi đi du lịch, nhiều người viết, vẽ bậy lên di sản, lên đồ vật, cây cối... là vì họ chỉ nghĩ đến bản thân mình, muốn để lại dấu ấn của chuyến đi, một kỷ niệm "độc" hay đơn giản chỉ là cho vui thôi.

Từ sự ích kỷ đó sẽ dẫn đến những phá hoại khôn lường và nếu ai cũng như vậy thì di sản, cảnh quan đẹp sẽ bị chính con người bôi bẩn.

"Đừng lấy gì ngoài những bức ảnh và đừng để lại gì ngoài những dấu chân", có rất nhiều điểm du lịch trong nước ta ghi câu này, một câu rất hay.

Nếu ai cũng theo đó mà làm thì chắc đã không có rác ngập các điểm du lịch, không có hình chữ vẽ viết lên di sản, không có những cây hoa bị đạp nát bươm...

Có lần tôi nhìn thấy vết tích của một đôi nào đó vẽ hai chữ cái tên hai người lồng vào nhau trên cửa gỗ cổ của điểm tham quan, thật đáng buồn.

Các đôi yêu nhau nếu muốn khắc tên mình bên nhau thì có thể lựa chọn nơi có các dịch vụ cho phép điều đó như những địa điểm cung cấp dịch vụ ổ khóa tình yêu chẳng hạn.

Yêu nhau chỉ cần khắc cốt ghi tâm là được, đâu nhất thiết phải khắc xuống muôn nơi để rồi làm xấu xí đi cảnh quan.

Chung quy vẫn là ý thức của con người. Ý thức đó phải đến từ sự giáo dục thì mỗi người mới biết gạt qua những cái ích kỷ để hướng đến cái chung, hướng đến cộng đồng và khi đó không ai sẽ đi vẽ bậy mà ngược lại họ sẽ bảo vệ cảnh quan, di sản cho mai sau.

* Ông NGUYỄN THẾ HÙNG (cục trưởng Cục Di sản văn hóa):

Đã có quy định xử phạt

Luật di sản văn hóa năm 2013 đã có quy định rất rõ ràng về xử phạt các hành vi hủy hoại, làm sai lệch di sản văn hóa để bảo vệ di sản, các địa phương, những nơi có di tích cần phải thực hiện nghiêm những quy định này.

Chiếu theo điều 13 Luật di sản văn hóa thì hành vi viết, vẽ bậy lên di sản được khép vào tội "hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa".

Tại điều 23 của nghị định 158/2013/NĐ-CP có quy định: phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật.

THIÊN ĐIỂU

Vấn đề văn hóa, cần giải pháp văn hóa

* Nhà văn DI LI (tác giả của nhiều cuốn sách du lịch):

Cảnh báo cần tinh tế và hóm hỉnh

Nói chung nghe những chuyện về "người Việt xấu xí" thì xấu hổ lắm. Tôi từng chứng kiến một phụ nữ Việt đã nhúng đôi chân và dép lấm lem đất cát xuống hồ bơi khách sạn 4 sao ở Thái Lan để... rửa. Họ coi hồ bơi khách sạn 4 sao là cái ao làng của họ.

Riêng chuyện viết, vẽ bậy của người Việt lên các di tích thì tôi đã gặp quá nhiều trên những chặng đường du lịch nhiều nơi trên thế giới của mình.

Những điểm đến tham quan thường có hai nhóm là di sản được công nhận và phong cảnh thiên nhiên. Cả hai thứ đều cần được bảo vệ như nhau.

Nhưng ở VN thì hai nhóm di sản thiên nhiên và văn hóa dường như đang bị tấn công và tàn phá bởi khách du lịch mà chủ yếu là việc xả rác gây ô nhiễm và vẽ bậy làm thay đổi di sản.

Để xóa bỏ được điều này thì các khu du lịch nên treo nhiều biển, bảng hướng dẫn, nhưng những lời trên bảng, biển hướng dẫn ấy phải đừng quá khuôn sáo mà phải tinh tế và cả hóm hỉnh để nhắc nhở du khách phải có ý thức bảo vệ các di tích, các tài sản quốc gia.

Tôi còn nhớ ở rừng Bạch Mã có một câu rất hay ghi bằng hai thứ tiếng Anh - Việt, mà câu tiếng Việt rất dễ thương là: "Không mang theo gì ngoài những tấm ảnh. Không để lại gì ngoài những dấu chân".

Nếu bắt gặp nhiều những cảnh báo dễ thương như vậy thì tôi tin chắc rằng sẽ không ai cảm thấy khó chịu bởi lời nhắc nhở, mà dần dà người ta cũng bắt đầu quen với việc mình đang là người du lịch văn minh.

* Bà PHAN HOÀNG BÍCH KHUÊ (TP.HCM):

Đưa ra giải pháp thay vì ngăn cấm

Phải nhìn nhận thực tế người dân viết, vẽ nhiều ở các di tích, cảnh quan tức là nhiều người có nhu cầu thể hiện mình, để lại dấu ấn ở nơi mình đã đến. Vậy tại sao chúng ta không đáp ứng nhu cầu đó, cho họ được thể hiện mình một cách phù hợp?

Có thể xây dựng một tấm bảng, đặt ở đó những ngòi viết, viên phấn hay những dải ruybăng... để ai muốn viết gì thì viết lên đó thay vì vẽ bậy lên di sản, cảnh quan.

Ở một địa điểm tại Nhật Bản, tôi cũng đã thấy người ta đặt những mẩu gỗ, những tờ giấy nhỏ để mọi người viết lại những cảm xúc, mong muốn của mình. Và cũng nhiều nơi người dân được mua những ổ khóa, khắc tên của mình lên đó và đặt vào những vị trí đã được quy định mà không hề ảnh hưởng đến cảnh quan.

Ở nhiều địa điểm tại các nước mà tôi đã đi, tôi thấy người ta thường đưa ra những hướng dẫn ứng xử văn minh với cảnh quan mà ít khi ghi bảng cấm.

Nói như vậy để thấy rằng thay vì chúng ta cứ cấm đoán thì hãy đi tìm giải pháp. Hãy hướng dẫn người dân làm điều tốt sẽ có giá trị hơn là chỉ nghĩ đến ngăn cấm người khác làm việc xấu mà không đưa ra được một giải pháp để giải quyết nhu cầu cho người dân.

Thế giới phạt nặng, thậm chí bỏ tù

10112018-tourist-afp-2(read-only)

Chính quyền Rome nỗ lực xóa dấu vẽ bậy trên đấu trường La Mã - Ảnh: AFP

Phá hoại di tích, tài sản tại các địa điểm du lịch trở thành một vấn nạn toàn cầu. Và tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại bất kể sự lên án của xã hội hay hình phạt nghiêm ngặt của pháp luật.

Tháng 10-2018, BBC đưa tin một du khách Anh có tên Lee Furlong bị cáo buộc phun sơn viết tên mình lên bức tường ở cổng Tha Phae, địa điểm nổi tiếng ở tỉnh Chiang Mai, Thái Lan.

Nhà chức trách Thái Lan xác nhận Furlong bị buộc tội "phá hoại địa điểm khảo cổ" và "tác giả" đối mặt với án phạt lên tới 10 năm tù giam cùng mức phạt hơn 1 triệu baht (23.500 USD).

Năm 2017, một phụ nữ Pháp cũng bị cảnh sát bắt vì viết tên mình lên một trong những cây cột tại đấu trường La Mã nổi tiếng ở thủ đô Rome của nước Ý.

Trong quá khứ, các tòa án Ý đặc biệt nghiêm khắc với những hành động phá hoại ở đấu trường La Mã, đơn cử là mức phạt 20.000 euro dành cho một du khách Nga viết chữ "K" to tướng lên những cây cột tại đây vào năm 2016.

Trong 3 năm từ 2014 tới 2017, chính quyền ghi nhận 20 trường hợp phá hoại ở địa điểm biểu tượng của Rome này.

Tháng 12-2016, Ý phê chuẩn dự luật quy định mức phạt cho những hành động cụ thể liên quan tới phá hoại các công trình, di sản văn hóa, trong đó gia tăng mức phạt tù tối đa từ 1 năm lên 5 năm.

Về vấn đề phá hoại của du khách, Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia dính dáng nhiều nhất. Báo China Daily năm 2016 có bài xã luận về việc cần thiết phải giáo dục du khách để ngăn chặn hành vi này.

Một trong những trường hợp xấu hổ nhất đã diễn ra năm 2013, thời điểm một học sinh trung học tên Ding Jinhao ở tỉnh Giang Tô bị phát hiện viết tên mình lên đền Luxor, một công trình 3.500 tuổi tại Ai Cập.

NHẬT ĐĂNG

NGỌC HIỂN - THÁI LỘC - NHẬT LINH - THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp