Chuyến bay thương mại đầu tiên chở thương nhân Nhật Bản đến Việt Nam trong thời kỳ COVID-19 - Video: Nippon TV
Theo Đài Nippon TV, nếu không tính các chuyến bay di tản công dân, hôm qua (25-6) là ngày đầu tiên hàng không thương mại giữa Nhật Bản và Việt Nam được nối lại sau nhiều tháng hai nước phong tỏa biên giới để chống dịch COVID-19.
Chuyến bay charter ngày 25-6 do Phòng Thương mại Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp tổ chức. Máy bay xuất phát từ sân bay Narita ở Tokyo và đáp xuống sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Hơn 150 hành khách được kiểm tra thân nhiệt trước khi lên máy bay và xét nghiệm virus corona lúc đến Việt Nam. Họ cũng sẽ trải qua 14 ngày cách ly trong khách sạn.
Tập đoàn Sharp cho biết có 130 nhân viên của nhà máy đóng tại Việt Nam đi trên chuyến bay này, hi vọng sẽ góp phần giúp hãng khôi phục hoạt động sau một thời gian ngưng trệ.
"Tôi có thể nhẹ nhõm. Bây giờ chúng tôi đã có đủ nhân lực để tái khởi động sản xuất" - ông Wada Kazuhito, chủ tịch Sharp Việt Nam, trả lời Đài NHK của Nhật.
Việt Nam dự kiến đón thêm 2 chuyến bay nữa trong hôm nay (26-6) và ngày mai (27-6), nâng tổng số hành khách lên 440 người, trong đó phần lớn là doanh nhân.
Chuyến bay ngày 25-6 chở hơn 150 khách Nhật đến Việt Nam - Ảnh chụp màn hình
Việt Nam bắt đầu cấm khách nước ngoài nhập cảnh đại trà từ tháng 3-2020 để chống dịch, trong khi Nhật hiện đang cấm công dân của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bộ Ngoại giao Nhật hồi đầu tháng cho biết đang nghiên cứu nới lỏng quy định đi lại với Việt Nam. Các chuyến bay thương mại là bước đầu tiên tiến đến mở lại biên giới giữa hai nước.
Tuy nhiên, kế hoạch trong giai đoạn đầu vẫn chưa bao gồm khách du lịch.
Trên thế giới, một số quốc gia đã kiểm soát được dịch đang cân nhắc mở hành lang đi lại với những điểm an toàn nhằm giúp khôi phục kinh tế. Úc - New Zealand; Estonia - Latvia - Lithuania... là các nhóm tiêu biểu.
Cái khó là phải cân bằng giữa thúc đẩy kinh tế và chống dịch, vì hiện COVID-19 không những chưa có dấu hiệu hạ nhiệt mà còn đang tăng tốc ở hầu hết các châu lục, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận