Một góc thủ đô Helsinki của Phần Lan - Ảnh: Fortune.com
Báo cáo hạnh phúc thế giới do Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc được công bố đúng Ngày quốc tế hạnh phúc 20-3.
Báo cáo xếp hạng 156 nước dựa trên sáu yếu tố giúp tạo nên cuộc sống hạnh phúc: thu nhập, tự do, niềm tin, tuổi thọ, hỗ trợ xã hội và sự rộng lượng. "10 quốc gia đứng đầu đều có thứ hạng cao ở cả sáu biến số cũng như đo lường cảm xúc về hạnh phúc" - CNN dẫn lời đồng tác giả John Helliwell, giáo sư Đại học British Columbia.
Đây là lần thứ hai liên tiếp Phần Lan được xếp là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Kế tiếp là các nước láng giềng ở châu Âu như Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Hà Lan.
Không chỉ người dân Phần Lan, những người nhập cư tại nước này cũng là những người nhập cư hạnh phúc nhất thế giới. "Đó không phải do DNA mà là lối sống tại những quốc gia này" - ông Helliwell nói.
"Họ đóng thuế cho một xã hội an toàn, họ tin tưởng chính phủ, họ sống trong tự do và họ rộng lượng với nhau. Họ lo lắng cho nhau. Đó là nơi ai cũng muốn sống" - nhà khoa học trên cho biết.
Bảng xếp hạng cũng cho thấy những nước mạnh nhất chưa hẳn là những nước hạnh phúc nhất. Trong đó, Mỹ đứng thứ 19, giảm năm hạng so với năm 2017, khi nằm trong nhóm 10 nước đứng đầu về thu nhập nhưng xếp hạng thấp ở các mục tự do (61) hay tham nhũng (41), hỗ trợ xã hội (37).
Không có cường quốc nào đứng trong nhóm 10 nước hạnh phúc nhất với Anh ở vị trí 15, Đức (17), Nhật Bản (58), Nga (64), Trung Quốc (93).
Việt Nam xếp thứ 94 trong danh sách khi được đánh giá là nước có sự tự do cao (hạng 23) nhưng không được đánh giá tốt về vấn đề tham nhũng (86), sự rộng lượng (97) và thu nhập (105).
Trong khu vực đông nam Á, Việt Nam xếp sau các nước như Singapore (34), Thái Lan (52), Philippines (69), Malaysia (80), Indonesia (92) và trước Lào (105), Campuchia (109), Myanmar (131).
Người dân ở quốc gia châu Phi Nam Sudan là nước ít hạnh phúc nhất thế giới, xếp tiếp sau các nước như CH Trung Phi, Afghanistan, Tanzania, Rwanda.
Đời sống ở Nam Sudan, nơi hàng trăm ngàn người thiệt mạng vì nội chiến những năm qua - Ảnh: AFP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận