Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã chủ trì "Lễ ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc đạt được đến nay".
Đây được xem là một cột mốc lịch sử, đánh dấu nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam và Campuchia trong việc xử lý vấn đề về cắm mốc biên giới.
Văn bản pháp lý này tạo bước đệm quan trọng để hai nước tiến tới thống nhất 100% việc cắm mốc, xác định biên giới, từ đó tạo điều kiện góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước.
Đường biên giới trên đất liền Việt Nam và Campuchia có chiều dài khoảng 1.245 km. Điểm khởi đầu của biên giới này là giao điểm đường biên giới giữa ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào.
Điểm kết thúc là vị trí cuối cùng của đường biên giới đất liền trên bờ vịnh Thái Lan, tiếp giáp giữa tỉnh Kiên Giang (Việt Nam) và tỉnh Kampot (Campuchia).
Đường biên giới này đi qua địa giới hành chính 10 tỉnh của Việt Nam gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang. Nó đi qua 9 tỉnh của Campuchia gồm: Rattanakiri, Mondulkiri, Kratié, Tboung Khmum, Svay Rieng, Prey Veng, Kandal, Takeo và Kampot.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Hun Sen ký kết văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Trong gần nửa thế kỷ qua, Việt Nam và Campuchia đã tiến hành nhiều đợt đàm phán, ký kết được nhiều văn kiện pháp lý để ghi nhận thành quả giải quyết biên giới giữa hai nước.
Đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia đã được hoạch định trong Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia ký ngày 27-12-1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia ký ngày 10-10-2005.
Trên cơ sở hai hiệp ước này, Việt Nam và Campuchia đã triển khai công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền từ đầu năm 1986. Tính đến tháng 12-2018, hai bên đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công tác phân giới, cắm mốc.
Để đáp ứng nhu cầu giao lưu, hợp tác qua biên giới, hệ thống cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia đến nay đã được mở rộng và phát triển mạnh mẽ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Hun Sen cầm trên tay văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả công tác phân giới cắm mốc biên giới - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Qua khảo sát thực tế, hiện nay trên toàn tuyến có 41 cặp cửa khẩu gồm 10 cặp cửa khẩu quốc tế, 11 cặp cửa khẩu chính và 20 cặp cửa khẩu phụ đang hoạt động.
Số lượng này ít hơn so với Quyết định số 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia đến năm 2020.
Việc này xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có việc công tác điều tra, nghiên cứu lập quy hoạch chưa sát với thực tế, chưa đánh giá đúng tiềm năng và nhu cầu phát triển của từng địa phương, từng vùng.
Ngoài ra, công tác triển khai quy hoạch chưa được đồng bộ do gặp khó khăn về kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, cũng như kết nối giao thông đến các cửa khẩu gặp nhiều khó khăn và thực tế rằng một số cửa khẩu phía Việt Nam có nhu cầu mở nhưng phía Campuchia không có nhu cầu mở và ngược lại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Hun Sen cầm trên tay bản đồ địa hình biên giới - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Để khắc phục tình trạng trên, hai bên đã thành lập nhóm công tác hỗn hợp về cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia để trao đổi việc phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới giữa hai nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận