
Yêu cầu nâng cao giá trị gia tăng năng suất lao động cho các ngành xuất khẩu như dệt may đặt ra cấp thiết hơn khi Mỹ áp thuế đối ứng - Ảnh: Q.NAM
Đó là những giải pháp ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ được TS Nguyễn Đức Thành - chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS) - đưa ra trong cuộc trao đổi riêng với Tuổi Trẻ.
"Thuế đối ứng không phải là một sản phẩm tùy hứng của cá nhân Tổng thống Donald Trump. Nó là sự tính toán chiến lược nhằm củng cố nền sản xuất Mỹ trong dài hạn", ông Thành nhấn mạnh.
Lựa chọn chính sách ứng phó thuế đối ứng
Chính sách áp thuế đối ứng 46% với hàng Việt Nam xuất vào Mỹ đã có hiệu lực, tạo nhiều thách thức cho nền kinh tế. Với quy mô kinh tế còn tương đối nhỏ, Việt Nam có lợi thế nhất định trong đàm phán hoặc lựa chọn chính sách ứng phó. Tuy nhiên, cần lưu ý trong tương lai sẽ có khoản thuế nhập khẩu vào Mỹ không dưới 10%, như Singapore đã chấp nhận.
Theo TS Thành, mức thuế lý tưởng với hàng hóa xuất từ Việt Nam sẽ là 25%, phụ thuộc vào đàm phán và nỗ lực thực hiện chính sách. Doanh nghiệp cần định vị lại cấu trúc sản xuất, cơ cấu giá trị gia tăng trong sản phẩm để duy trì tiếp cận thị trường Mỹ, đồng thời cần có cải cách và thông điệp minh bạch, đáng tin cậy.
Thứ nhất, cần mở cửa cho thương mại và đầu tư từ Mỹ để cải thiện quy mô nhập khẩu. Tăng nhập khẩu sẽ gây sức ép lên doanh nghiệp trong nước nhưng không hoàn toàn tiêu cực. Môi trường cạnh tranh buộc doanh nghiệp định vị lại, tự đổi mới, tạo động lực nâng cấp kỹ năng.
Thứ hai, hàng nhập khẩu có thể mang tính hỗ trợ hơn là cạnh tranh, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất (như cung ứng nguyên liệu đầu vào).
Thứ ba, đầu tư của Mỹ sẽ tạo việc làm và cấu trúc kinh tế mới. Đầu tư thường đi kèm với nhập khẩu từ nước đầu tư, nên việc cải cách môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp Mỹ sẽ giúp cải thiện cán cân thương mại.

Nguồn: Bộ Công Thương - Dữ liệu: Bảo Ngọc - Đồ họa: TUẤN ANH
Coi trọng sản xuất thực
Các nước bị áp thuế cao như Trung Quốc, với nền kinh tế lớn, không có lợi thế như Việt Nam trong đàm phán. Họ sẽ tìm giải pháp giảm giá đồng tiền để hóa giải rào cản thuế quan, làm hàng hóa trở nên rẻ khi vào thị trường Việt Nam, trong khi hàng Việt xuất khẩu bị đắt lên.
Việt Nam khó ngăn chặn hàng hóa bằng thuế quan vì các hiệp định thương mại đã ký. Đồng thời, sự dư thừa hàng hóa của các nước lớn do bị chặn vào thị trường Mỹ tạo sức ép về nguồn cung. Người tiêu dùng có thể hưởng lợi từ hàng hóa đa dạng và rẻ hơn, nhưng doanh nghiệp sẽ khó khăn trong tiêu thụ, ảnh hưởng đến sức mạnh kinh tế lâu dài.
Khó khăn khi bị Mỹ áp thuế đối ứng 46% không chỉ khiến xuất khẩu sang Mỹ suy giảm mà có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu sang các đối tác lớn khác như Trung Quốc. Đây là thách thức lớn vì kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào xuất khẩu.
Để ứng phó với thuế đối ứng quá cao, TS Thành đề xuất một số giải pháp. Trong ngắn hạn, Chính phủ có thể sử dụng công cụ vĩ mô như tỉ giá hoặc lãi suất, nhưng cần thận trọng để "để dành" không gian chính sách cho tình huống khẩn cấp và tránh bị Mỹ cho rằng thao túng tiền tệ.
Theo ông, cần chú trọng các chính sách đối với sản xuất thực, tức là các chính sách trọng cung mà Tổng Bí thư Tô Lâm đang thúc đẩy trong nửa năm qua.
Thứ nhất, cần hệ thống báo cáo và chứng nhận minh bạch, công bằng về nguồn gốc xuất xứ trong sản phẩm xuất khẩu. Hệ thống này giúp phân loại nhóm hàng có giá trị gia tăng thực trong nền kinh tế, định hướng đàm phán vì lợi ích quốc gia, thể hiện thiện chí với Mỹ trong kiểm soát hàng nhập khẩu trá hình.
Thứ hai, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp. Chúng ta đã nói nhiều nhưng chưa có nhiều cải thiện vì sức ỳ của bộ máy quản lý. Chỉ lựa chọn thực chất mới ứng phó được với thế giới đang thay đổi.
Thứ ba, đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp năng lượng vì đây là yếu tố đầu vào quan trọng.
Cùng với đó, thúc đẩy nhập khẩu khí hóa lỏng từ Mỹ, thể hiện thiện chí cải thiện cán cân thương mại. Sự tự chủ năng lượng từ các nguồn mới hoặc năng lượng hạt nhân sẽ quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.
Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông):
Chứng minh lợi ích của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam
Những năm gần đây, Mỹ xuất siêu mạnh vào Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ qua các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Meta, Amazon, Netflix, Microsoft. Số thuế nhà thầu các tập đoàn này đóng hằng năm lên tới hàng ngàn tỉ, cho thấy doanh thu từ Việt Nam không nhỏ.
Nhưng Mỹ chỉ tính vào cán cân thương mại những hàng hóa hữu hình, không tính dịch vụ. Vì vậy Việt Nam cần tính toán lại việc nhập siêu hàng hóa dịch vụ từ Mỹ để nói rõ lợi ích của doanh nghiệp Mỹ tại thị trường Việt Nam.
Cạnh đó, cần bày tỏ thiện chí tiếp nhận sản phẩm dịch vụ từ Mỹ thông qua việc bỏ các rào cản phi thuế quan như sửa Luật Quảng cáo.
GS Hà Tôn Vinh (chuyên gia kinh tế):
Tăng mua hàng Mỹ
Điều Mỹ quan tâm lớn nhất là Việt Nam mua quá ít hàng Mỹ. Muốn giảm thuế đối ứng, chúng ta phải mua hàng Mỹ nhiều hơn.
Hiện có ba nhóm khách hàng có thể tăng mua hàng Mỹ: các gia đình, cá nhân có thể tăng mua dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm; doanh nghiệp trong nước có thể tăng mua máy móc, vật liệu; và Nhà nước có thể tăng mua vũ khí, thiết bị.
Để đàm phán thành công, Mỹ muốn Việt Nam làm 4 điều: tăng mua hàng Mỹ; loại trừ hàng từ nước thứ ba đội lốt hàng Việt Nam xuất vào Mỹ; giảm thuế suất với hàng Mỹ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Trong chuyến công du mới đây của Bộ trưởng Bộ Công Thương đến Mỹ, hai bên đã ký biên bản ghi nhớ về việc Việt Nam sẽ mua 90 tỉ USD hàng Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận