Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 4-8, Việt Nam và Trung Quốc vừa kết thúc đàm phán vòng 16 về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển.
Cuộc đàm phán ở cấp nhóm công tác, diễn ra trong hai ngày 2 và 3-8 ở Đà Nẵng. Trưởng nhóm công tác phía Việt Nam là Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam Trịnh Đức Hải.
Trưởng nhóm công tác phía Trung Quốc là Tham tán công sứ Vụ Biên hải, Bộ Ngoại giao Trung Quốc Kim Yến Quang.
Trên cơ sở tuân thủ nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng và hai nước, "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc" ký ngày 11-10-2011, hai bên đã đi sâu trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển.
Hai bên cũng rà soát và kiểm điểm tình hình triển khai một số thỏa thuận/dự án đã được hai bên nhất trí.
Hai phía đồng thời trao đổi ý kiến về một số đề xuất hợp tác mới trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và luật pháp của mỗi bên.
Trên tinh thần đó, cấp làm việc hai bên đã thống nhất về nội dung dự thảo của một số thỏa thuận hợp tác liên quan, đồng thời sẽ nỗ lực để có thể sớm ký kết các thỏa thuận này trong thời gian tới.
Hai bên nhất trí tiến hành đàm phán vòng 17 trong năm 2024 tại Trung Quốc.
Việt Nam nêu nguyên tắc 3R trong hợp tác biển
Từ ngày 31-7 đến 4-8, tại Bali (Indonesia), Đại sứ Vũ Hồ, trưởng SOM ASEAN Việt Nam, cùng trưởng SOM các nước ASEAN và các đối tác đã dự chuỗi hội nghị SOM ASEAN, ASEAN+3, EAS, Diễn đàn biển ASEAN (AMF) và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF).
Chuỗi hội nghị nhằm chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan sẽ được tổ chức tại Jakarta (Indonesia) từ ngày 4 đến 7-9 tới. Dự kiến, lãnh đạo ASEAN và các đối tác sẽ có khoảng 20 hoạt động trong các khuôn khổ ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.
Trong trao đổi, Đại sứ Vũ Hồ đã nêu một số nguyên tắc căn bản trong hợp tác biển ở khu vực. Đó là trách nhiệm (Responsible), thích ứng (Responsive) và kiềm chế (Restraint).
Cụ thể là trách nhiệm trong hợp tác, thích ứng trước thách thức và kiềm chế trong hành xử.
Nhân chuỗi hội nghị SOM, ASEAN và đối tác đã tổ chức Hội thảo cấp cao Đông Á (EAS) về phát triển kinh tế biển tại các nước ven bờ. Hội thảo cũng trao đổi về tiềm năng kinh tế biển, phương thức phát triển kinh tế biển và ứng phó biến đổi khí hậu.
Đây là lần thứ 11 EAMF được tổ chức. Diễn đàn gồm các nước ASEAN và đối tác là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Úc và New Zealand.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận