Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu tại hội thảo - Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO VIỆT NAM
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, hội thảo năm nay bàn về vận dụng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và các văn kiện pháp lý quốc tế khác trong ứng phó với các thách thức mới trên biển.
Hội thảo do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức, phối hợp với bộ ngoại giao các nước Ấn Độ, Úc, Canada và Liên minh Châu Âu. Do COVID-19, hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự hội thảo có khoảng 200 đại biểu từ 27 nước ARF, các tổ chức khu vực và quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao và các bộ, ngành có liên quan đến việc thực thi UNCLOS 1982.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu khẳng định vai trò quan trọng của UNCLOS như "Hiến pháp" của đại dương, là khuôn khổ pháp lý cho việc giải quyết các thách thức trên biển trong khu vực, bao gồm các thách thức mới nổi lên sau khi công ước được thông qua.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh mọi tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Ông khẳng định hợp tác thiện chí, trên cơ sở công ước, sẽ góp phần tăng cường niềm tin giữa các bên, thúc đẩy hoà bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực.
Đồng tình với phát biểu của phía Việt Nam, các đồng chủ toạ là Đại sứ Canada và Đại sứ Úc đã nhấn mạnh vai trò, giá trị của UNCLOS, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Đại sứ Canada cũng chia sẻ về những diễn biến gần đây trên Biển Đông và khẳng định ủng hộ nỗ lực của các quốc gia trong việc quản lý và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS 1982 với các hợp tác trong khu vực. Hợp tác không chỉ giới hạn giữa các cơ quan nhà nước mà còn cần sự tham gia của các thực thể khác có liên quan trong khối tư nhân, các tổ chức quốc tế và khu vực cũng như các tổ chức phi chính phủ.
Trong bối cảnh hiện nay, các đại biểu cho rằng cần nghiên cứu khả năng xây dựng một văn kiện khu vực về đối xử nhân đạo với ngư dân, trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và tính đến các đặc điểm của khu vực.
Dự kiến trong ngày làm việc thứ hai (2-6), hội thảo sẽ thảo luận về các giải pháp hợp tác để chống suy thoái môi trường và đa dạng sinh học biển, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định cùng vấn đề rác thải nhựa trên biển.
Các đại biểu cũng sẽ trao đổi về việc tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực, bao gồm hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận