05/01/2024 11:49 GMT+7

Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng cao, quy mô kinh tế 430 tỉ USD, tín nhiệm quốc gia mức BB+

Mức tăng trưởng 5,05% đưa Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỉ USD.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo kết quả kinh tế - xã hội năm 2023 - Ảnh: VGP

Phó thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo kết quả kinh tế - xã hội năm 2023 - Ảnh: VGP

Ngày 5-1, tại hội nghị Chính phủ với địa phương do Chính phủ tổ chức, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có báo cáo về kết quả kinh tế - xã hội năm 2023 và giải pháp cho năm 2024.

Đánh giá năm 2023, ông Khái cho hay tăng trưởng GDP phục hồi tích cực, quý sau cao hơn quý trước, cả năm tăng 5,05%. Kết quả này đưa Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỉ USD.

Tín nhiệm quốc gia lên mức BB+

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta. Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng "Ổn định", châu Á - Thái Bình Dương chỉ có 2 trong 62 nước được nâng hạng.

Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỉ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh và có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020 - 2022.

Giải ngân vốn đầu tư công có số tuyệt đối đạt gần 676.000 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay, cao hơn khoảng 146.000 tỉ đồng so với năm 2022. Vốn đầu tư ra nước ngoài đăng ký lũy kế đạt 22,1 tỉ USD; lợi nhuận chuyển về nước đạt 2 tỉ USD.

Cơ cấu kinh tế được đẩy mạnh, tỉ trọng kinh tế số ước đạt khoảng 16,5% GDP, là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 - 2023).

Xây dựng kết cấu hạ tầng có sự chuyển biến vượt bậc, đặc biệt là giao thông. Việc đồng loạt khởi công 25 dự án, đã đưa vào sử dụng thêm 475km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác là 1.900km.

Dự báo năm 2024 có nhiều thách thức, Phó thủ tướng cho hay Chính phủ xác định chủ đề điều hành là "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững".

Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (6-6,5%), giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát (4-4,5%), bảo đảm các cân đối lớn; giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam, cắt giảm chi thường xuyên 5%.

Cơ cấu lại nền kinh tế, tăng năng suất và sức cạnh tranh

Tập trung vào ba động lực tăng trưởng; làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng ít nhất 6% so với năm 2023.

Thực hiện quyết liệt ba đột phá chiến lược. Bảo đảm tiến độ, chất lượng, trình ban hành các dự án luật, nhất là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)... Hoàn thành xây dựng vị trí việc làm, triển khai đồng bộ, hiệu quả cải cách chính sách tiền lương. Quyết liệt thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu có 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025. Trong năm 2024, hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên. Đầu tư phát triển hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu, đề xuất ban hành một số chủ trương, cơ chế đặc thù thúc đẩy phát triển điện lực, năng lượng tái tạo; triển khai kịp thời, hiệu quả Quy hoạch điện 8, kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu.

Thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, sức cạnh tranh. Phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chip bán dẫn; thúc đẩy phát triển, hội nhập thị trường tín chỉ carbon.

Đẩy mạnh phát triển văn hóa, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều, bao trùm, "không để ai bị bỏ lại phía sau". Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, năm 2024 hoàn thành tối thiểu 130.000 căn.

Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, nhất là các lĩnh vực mới, mang tính đột phá.

Hội nghị Chính phủ với địa phương: Gỡ điểm nghẽn cho sản xuất, kinh doanhHội nghị Chính phủ với địa phương: Gỡ điểm nghẽn cho sản xuất, kinh doanh

Ngày 5-1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp