Nghị quyết yêu cầu Tòa Công lý quốc tế nêu ý kiến tư vấn về biển đổi khí hậu đã được thông qua ngày 29-3 (giờ Mỹ) với 193/193 nước ủng hộ, trong đó có 132 nước đồng bảo trợ, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Với tư cách phó chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, đã chủ trì phiên thảo luận.
Nghị quyết "lịch sử" về biến đổi khí hậu
Kết quả này cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với biến đổi khí hậu - một trong những vấn đề cấp thiết nhất, được quan tâm thảo luận rộng rãi nhất tại rất nhiều diễn đàn quốc tế, khu vực hiện nay.
Theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang, thông qua nghị quyết này, Đại hội đồng yêu cầu Tòa Công lý quốc tế làm rõ hai vấn đề liên quan biến đổi khí hậu.
Một là, xác định nghĩa vụ của các quốc gia theo luật pháp quốc tế nói chung và các công ước quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu nói riêng.
Hai là, trên cơ sở các nghĩa vụ đó, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đề nghị Tòa Công lý quốc tế xác định trách nhiệm pháp lý của các quốc gia đã gây ra phát thải lớn và dẫn tới những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với các nước khác, cũng như đối với thế hệ hiện tại và tương lai.
Với việc nghị quyết được thông qua, đây sẽ lần đầu tiên Tòa Công lý quốc tế đưa ra ý kiến về mặt pháp lý liên quan đến biến đổi khí hậu.
"Hôm nay chúng ta đã chứng kiến một chiến thắng to lớn cho công lý khí hậu", Thủ tướng Vanuatu Ishmael Kalsakau nhấn mạnh và gọi đây là "nghị quyết lịch sử, là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong hợp tác khí hậu đa phương", theo báo The Guardian.
Nhiều đóng góp của Việt Nam được đưa vào nghị quyết
Nghị quyết được đệ trình theo sáng kiến của Vanuatu và Nhóm nòng cốt gồm 18 nước, trong đó có Việt Nam.
Nhóm nòng cốt là một hình thức các nước thành viên Liên Hiệp Quốc chia sẻ quan điểm, phối hợp hành động về các quan tâm chung. Nhóm nòng cốt về việc xin ý kiến tư vấn của Tòa Công lý quốc tế về biến đổi khí hậu bao gồm 18 nước, đại diện cho tất cả các khu vực địa lý.
Việt Nam tham gia tích cực ngay từ đầu trong việc cùng Vanuatu thúc đẩy sáng kiến này, là một trong 5 thành viên đầu tiên của Nhóm nòng cốt.
Đại sứ Giang chia sẻ Việt Nam đã tích cực tham gia trong quá trình xây dựng nội dung dự thảo nghị quyết thông qua, với gần 50 cuộc họp của Nhóm nòng cốt từ tháng 9-2022 tới nay. Ngoài ra còn có ba vòng tham vấn chính thức với toàn bộ các nước thành viên Liên Hiệp Quốc cùng nhiều cuộc tiếp xúc không chính thức khác.
Nhiều góp ý của Việt Nam đã được đưa vào nghị quyết, trong đó có việc đưa nguyên tắc "trách nhiệm chung nhưng khác biệt", đề cập các tác động của biến đổi khí hậu với các nước đang phát triển, các nước dễ bị tổn thương.
Xác định trách nhiệm của các nước phát thải nhiều
Báo The Guardian giải thích: "Về bản chất, tư vấn của Tòa Công lý quốc tế sẽ giúp xác định liệu các quốc gia có nghĩa vụ pháp lý phải thực hiện những gì họ đã cam kết trong các hiệp ước không ràng buộc như Thỏa thuận khí hậu Paris 2015 hay không, và liệu việc không thực hiện như vậy có thể bị thách thức thông qua kiện tụng hay không".
Theo Đại sứ Giang, nếu ý kiến tư vấn của Tòa Công lý quốc tế đưa ra làm rõ hơn được trách nhiệm và nghĩa vụ của các quốc gia, cộng đồng quốc tế sẽ có thêm nhiều cơ sở để đưa ra những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong thời gian tới, góp phần giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu cũng như giúp các quốc gia thích ứng tốt hơn.
"Với những nội hàm và ý nghĩa quan trọng đó, đây sẽ có thể là một trong những ý kiến tư vấn quan trọng nhất, sâu rộng nhất mà Tòa Công lý quốc tế đưa ra", trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh.
Tòa Công lý quốc tế là một trong các cơ quan chính của Liên Hiệp Quốc, thực hiện hai chức năng chính là giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia và đưa ra ý kiến tư vấn về khía cạnh pháp lý của nhiều vấn đề được quốc tế quan tâm.
Theo quy định, chỉ Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có quyền yêu cầu Tòa Công lý quốc tế cho ý kiến tư vấn về tất cả các vấn đề pháp lý.
Bên cạnh việc đưa ra các phán quyết về giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, ý kiến tư vấn của Tòa Công lý quốc tế nhìn chung được cộng đồng quốc tế coi trọng, có thể làm rõ hơn nhiều vấn đề pháp lý quốc tế chưa rõ ràng, qua đó giúp thúc đẩy hành xử của các nước theo hướng phù hợp hơn với các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận