Bà Jo LeCouilliard, phó chủ tịch cấp cao và giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương GSK - Ảnh: KHÁNH NGỌC |
Nhân chuyến công tác đến Việt Nam, bà Jo LeCouilliard, phó chủ tịch cấp cao và giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn chăm sóc sức khỏe đa quốc gia GlaxoSmithKline (GSK) đã chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về xu hướng phát triển của châu Á nói chung cũng như những định hướng của GSK trong khu vực đầy tiềm năng này.
Thưa bà, bà đánh giá gì về thị trường dược phẩm trong khu vực và vai trò của GSK tại khu vực này?
- Châu Á là khu vực có mức tăng trưởng cao nhất. GDP của châu Á sẽ đạt khoảng 22,4 tỉ đôla vào cuối thập kỷ này, cao hơn 50% so với năm 2013 và hơn một nửa dân số có thu nhập trung bình sẽ tập trung sinh sống ở khu vực này vào năm 2030.
Tất cả những điều này sẽ dẫn đến yêu cầu về chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao. Chi tiêu y tế trên đầu người ở châu Á dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi từ nay đến năm 2020 (gần bằng với Mỹ hiện tại). Vì vậy nhiệm vụ của GSK là làm sao nâng cao chăm sóc sức khỏe cho người dân ở khu vực này, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển.
Châu Á đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của chúng tôi. Các nhà máy đặt tại Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản sản xuất nguyên liệu (active compounds) cho amoxicillin và nguyên liệu gốc cho các thuốc về hô hấp, tiêu hóa, dị ứng, kháng virút và thần kinh.
Việc đặt trụ sở chính tại Singapore giúp chúng tôi chủ động đưa ra quyết định kịp thời nhằm đáp ứng các nhu cầu của bệnh nhân cũng như nhân viên y tế trong khu vực.
Và Việt Nam là thị trường mới nổi chiến lược của GSK.
Vậy những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh của GSK dành cho thị trường Việt Nam?
- Ưu tiên hàng đầu là làm thế nào để cung cấp vắcxin và thuốc có giá trị cho thị trường Việt Nam.
Việt Nam là một trong những quốc gia mà các bệnh lý ở đường hô hấp chưa được kiểm soát và điều trị hiệu quả. Vì vậy chúng tôi ưu tiên cung cấp các loại thuốc tiên tiến để điều trị các bệnh lý đường hô hấp.
Ngoài ra, một trong những ưu tiên nữa là đem lại vắcxin để bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh do vi khuẩn phế cầu. Đồng thời đảm bảo để người dân có thể tiếp cận những kháng sinh hàng đầu của GSK.
Gần đây, theo tôi biết thì nguồn cung cấp vắcxin phối hợp DTPa cho thị trường Việt Nam rất khan hiếm, bà có thể cho biết nguyên nhân và khi nào GSK có thể cung ứng trở lại?
- Đây là một thách thức mà chúng tôi đang phải đối diện trên phạm vi toàn cầu, không riêng Việt Nam. Việc sản xuất vắcxin là một quy trình phức tạp và đòi hỏi thời gian từ 6-26 tháng, tức để chúng ta có được vắcxin sử dụng ngày hôm nay, GSK đã phải chuẩn bị từ 2 năm trước.
Hơn thế nữa, trước khi được đưa vào sử dụng, mỗi lô vắcxin sẽ phải trải qua hàng trăm cuộc kiểm nghiệm chất lượng nghiêm ngặt nhất.
Khó khăn trong tăng năng suất nhưng nhu cầu sử dụng vắcxin trên toàn cầu lại tăng đáng kể. Đây là tín hiệu tốt, bởi điều đó có nghĩa là trong thời gian qua, người dân đã bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích mà vắcxin mang lại nhưng đồng thời tạo ra áp lực rất lớn cho nhà cung cấp.
Và đó cũng là lý do chúng tôi đang nỗ lực hết sức có thể để cung ứng một cách tốt nhất, đầy đủ theo những chuẩn mực cao nhất của GSK.
GSK đang thay đổi mô hình hoạt động cũ sang mô hình mới trong cung cấp thông tin dược phẩm, vì sao phải thay đổi và có thách thức gì trong việc thay đổi này?
Chúng tôi áp dụng mô hình hoạt động mới mà qua đó các nhân viên y tế và bệnh nhân sẽ hưởng lợi rất nhiều từ việc đổi mới này. Việt Nam và Mỹ là 2 quốc gia đầu tiên ứng dụng mô hình này và nhận được những phản hồi tích cực.
Trước đây, chúng tôi đã áp dụng các phương pháp cung cấp thông tin truyền thống là gặp trực tiếp nhân viên y tế để trình dược. Khi một loại vắcxin mới hoặc thuốc mới ra mắt, các bác sĩ và chuyên gia được mời đến buổi hội thảo toàn cầu. Sau đó, họ trở về đất nước, chia sẻ lại và thảo luận về vắc xin, thuốc chữa bệnh cùng các chuyên gia y tế ở địa phương.
Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các chuyên gia y tế, chúng tôi đang hiện đại hóa cách thức cung cấp thông tin. Cách tiếp cận mới của chúng tôi sẽ sử dụng nhiều kênh truyền thông khác nhau như email, website hay hội nghị trực tuyến để giúp họ truy cập thông tin một cách thuận tiện thay vì lãng phí thời gian và tiền bạc để di chuyển.
Chúng tôi cũng đang hiện đại hóa cách chúng tôi hỗ trợ các nhân viên y tế trong các chương trình đào tạo y khoa liên tục và thay đổi hình thức tưởng thưởng cho trình dược của chúng tôi để loại bỏ các quan ngại về mâu thuẫn lợi ích và nâng cao tính minh bạch.
Bà có thể chia sẻ về những hợp tác cộng đồng của GSK tại khu vực châu Á cũng như ở Việt Nam để tác động đến việc nâng cao sức khỏe người dân?
- Trên phạm vi toàn cầu, GSK và Tổ chức Save the Children đã xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược trong 5 năm nhằm chia sẻ chuyên môn của hai tổ chức, tập trung vào ba lĩnh vực chính để mang đến những thay đổi tốt đẹp hơn cho trẻ em dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
Một trong những ưu tiên của hợp tác này là phát triển một loại thuốc kháng khuẩn dạng bôi ngoài da nhằm phòng tránh nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh.
Tại Việt Nam, chúng tôi cùng với Save the Children đang phát triển dự án chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh vùng dân tộc thiểu số ở phía Bắc Việt Nam (trị giá khoảng 380.000 USD).
Một trong những mục tiêu trọng tâm của dự án này là đào tạo nhân viên y tế tuyến cơ sở và truyền thông để nâng cao hiểu biết của cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.
GSK cũng đã đầu tư vào các hợp tác hướng đến cộng đồng: Giải thưởng chăm sóc sức khỏe đổi mới được trao tặng cho PATH Việt Nam (trị giá 400.000 USD) về phần mềm đăng ký tiêm chủng.
Cùng với việc đưa phần mềm này vào hoạt động, hi vọng khả năng đăng ký tiêm chủng và gia tăng tỉ lệ tiêm chủng trên phạm vi cả nước sẽ được cải thiện rất nhiều thông qua dự án này.
Xin cảm ơn bà.
GSK là một trong những công ty dẫn đầu về nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, phát minh và phát triển trên phạm vi rộng những sản phẩm mang tính đột phá trong 3 lĩnh vực chính: dược phẩm, vắcxin và chăm sóc sức khỏe. GSK hoạt động thương mại trên 150 quốc gia, với 86 mạng lưới sản xuất trên 36 nước và các trung tâm nghiên cứu phát triển lớn ở Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Bỉ và Trung Quốc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận