Khán phòng họp báo trước thềm ngày thi đấu của bảng D hầu như toàn phóng viên Việt Nam - Ảnh: HOÀNG TUẤN
Đơn giản là do hầu như tất cả cánh phóng viên nước ngoài đặt chân đến Buriram tác nghiệp đều là người Việt. Chúng tôi thậm chí có thể liệt kê hết những phóng viên "không phải người Việt" như sau: 3 phóng viên của AFC, 3 phóng viên của UAE, Jordan và Triều Tiên (thực chất họ là cán bộ truyền thông của hai đội tuyển này) cùng 4 phóng viên người Hàn Quốc (đến đây chỉ vì HLV Park Hang Seo).
Vì vậy, để trò chuyện với một phóng viên UAE tác nghiệp ở giải, hiện tại chúng tôi vẫn chưa tìm được ai. Có thể khi bước vào trận đấu đầu tiên họ sẽ xuất hiện và cũng không có gì ngạc nhiên nếu chẳng ai đến, do lâu nay các giải bóng đá trẻ thường không nhận được sự quan tâm của truyền thông hầu hết các nước.
Chúng tôi từng trải nghiệm rất rõ điều này khi tác nghiệp tại World Cup U20 năm 2017 - giải đấu mà việc tuyển U20 VN góp mặt trở thành một sự kiện lịch sử. Hơn 20 phóng viên Việt Nam đã đổ bộ đến Hàn Quốc mùa hè năm đó và trở thành lực lượng tác nghiệp chính của giải đấu (bên cạnh cánh phóng viên nước chủ nhà).
U20 Việt Nam nằm chung bảng với Pháp, Honduras và New Zealand. Trong khi Honduras và New Zealand chỉ có cán bộ truyền thông của đội để đưa tin thì Pháp - nền bóng đá hùng mạnh bậc nhất thế giới - cũng chỉ có 2 phóng viên dự giải.
Adrien De Calan - phóng viên của AFP từng tác nghiệp giải năm đó - thường đùa với tôi: "Tôi sẽ không bao giờ đến các giải đấu có Việt Nam góp mặt nữa, vì các bạn làm hết việc của chúng tôi rồi". Mỗi ngày, Adrien bận bịu... trả lời phỏng vấn trước cánh truyền thông Việt Nam, điều mà anh chẳng bao giờ nghĩ đến trong sự nghiệp làm báo của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận