Phóng to |
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty cổ phần thủy sản Cafatex, Hậu Giang - Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN |
Với thắng lợi này, theo các doanh nghiệp (DN), xuất khẩu tôm VN thời gian tới sẽ thuận buồm xuôi gió hơn.
Mỹ tính sai
Trước khi có kết quả đợt xem xét hành chính thuế CBPG lần 2 (POR 2) của Mỹ đối với tôm xuất khẩu của VN, thuế CBPG đối với phần lớn các DN tôm VN có mức thấp hơn các đối thủ cạnh tranh chính là Thái Lan và Ấn Độ. Tuy nhiên, sau khi có mức thuế cho giai đoạn POR 2 (tháng 2-2006 đến tháng 2-2007), mức thuế suất CBPG của các DN tôm VN là khá cao so với các nước khác cũng là bị đơn của vụ kiện. Không chỉ chịu mức thuế cao, DN còn phải chịu mức ký quỹ rất lớn cho cơ quan chức năng Mỹ trước khi đưa hàng vào nước này. Do đó các DN VN ở vị thế cạnh tranh bất lợi hơn trước Thái Lan và Ấn Độ.
Việc phải chịu mức thuế CBPG cao, theo một lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), do cách tính của Bộ Thương mại Mỹ không hợp lý, cụ thể là cách tính quy về 0 (còn gọi là zeroing). Cách tính này chỉ xem xét các lô hàng có giá bán thấp hơn giá thị trường để tính thuế, trong khi những lô hàng có giá bán cao hơn được tự động quy về 0. Đây chính là nội dung khiếu kiện cơ bản nhất mà VN kiện Mỹ ra WTO ngày 1-2-2010.
Diễn biến vụ kiện ● 1-2-2010: VN gửi WTO yêu cầu tham vấn với Mỹ về việc nước này áp dụng các biện pháp CBPG đối với các sản phẩm tôm đông lạnh của VN. ● 23-3-2010: VN và Mỹ tiến hành tham vấn, tuy nhiên hai bên không đạt được giải pháp chung. Vì vậy VN đề nghị WTO thành lập một ban hội thẩm để xem xét vấn đề này. ● 26-7-2010: WTO chỉ định thành viên ban hội thẩm. ● 20-8-2010: VN nộp cho ban hội thẩm giải quyết tranh chấp của WTO bản đệ trình vụ kiện Mỹ. ● 20-10-2010: Ban hội thẩm bắt đầu xét xử vụ kiện tôm (lần thứ nhất). ● 15-12-2010: Kết thúc phần tranh tụng vụ kiện sau hai ngày làm việc tại trụ sở WTO. ● 11-7-2011: Ban hội thẩm WTO ra kết luận cuối cùng về việc Mỹ áp dụng phương pháp zeroing trong cách tính thuế CBPG với tôm VN là vi phạm các quy định của WTO. |
Theo ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký VASEP, phán quyết này của WTO là thắng lợi của VN bởi phương pháp quy về 0 chính là khiếu kiện trọng tâm của VN trong vụ kiện này. Việc sử dụng phương pháp này đã tạo ra biên độ phá giá lớn cho sản phẩm, làm mức thuế bị đẩy lên cao, kéo theo đó là mức ký quỹ hàng triệu USD gây bất lợi trong cạnh tranh của các DN VN. “Phán quyết của WTO cũng tạo tiền đề để phía Mỹ bỏ thủ tục này trong các đợt xem xét tiếp theo. Đây là cơ hội để các DN không bán phá giá có khả năng rút khỏi vụ kiện. Phán quyết của WTO sẽ tác động tích cực đến xuất khẩu tôm của VN sang thị trường Mỹ” - ông Hòe nói.
Mới chỉ là bước đầu
Tuy nhiên, theo nhiều DN xuất khẩu tôm, phán quyết của WTO mới chỉ là bước khởi đầu vì mục tiêu cuối cùng của vụ kiện là giúp ngành tôm VN thoát hoàn toàn khỏi vụ kiện CBPG của Mỹ chưa thực hiện được. Các DN vẫn sẽ tiêu tốn hàng triệu USD mỗi năm cho các luật sư để lo thủ tục pháp lý trong các đợt xem xét của Mỹ, chưa kể các chi phí khác.
Theo ông Lê Văn Quang - tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, dù thắng tại WTO nhưng con đường rút hoàn toàn khỏi vụ kiện CBPG mà Mỹ đang áp dụng đối với các DN xuất khẩu tôm VN còn xa và gian nan. Bởi theo quy định của Mỹ, DN có thể được thoát hoàn toàn khỏi vụ kiện CBPG nếu ba lần rà soát liên tục có kết quả 0%.
Trong hai đợt xem xét trước, các bị đơn bắt buộc của VN đã có mức thuế CBPG là 0% nhưng trong giai đoạn 2008-2009 (POR 4) các bị đơn bắt buộc chịu mức thuế suất trên 2% nên VN chưa thoát khỏi vụ kiện CBPG.
Phán quyết vừa qua của WTO quyết định việc tiếp tục sử dụng những biện pháp đang bị khiếu kiện không nằm trong phạm vi thảo luận của ban hội thẩm. Đây là một điểm không có lợi cho VN, vì như vậy sẽ không thay đổi được kết quả rà soát POR 4 trở về sau.
Nhưng nguyên nhân không hoàn toàn ở kết luận của WTO, mà theo ông Quang, còn bởi vì sự chần chừ trong quyết định khởi kiện của cơ quan chức năng VN. Ngay từ năm 2008, VASEP đã có những đề nghị giải quyết tranh chấp với phía Mỹ qua cơ chế của WTO tới Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT... Tuy nhiên, phải đến đầu tháng 2-2010 VN mới gửi WTO yêu cầu tham vấn với Mỹ. “Chúng ta đã kiện chậm mất hơn một năm, nếu kết quả của vụ kiện này áp dụng cho đợt xem xét POR 4 thì rất có thể VN đã thoát khỏi vụ kiện này rồi” - ông Quang nói.
Một điểm bất lợi nữa của ngành tôm VN là đầu năm nay, cả Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại quốc tế của Mỹ đều đã nhất trí tiếp tục áp thuế CBPG đối với tôm đông lạnh từ VN thêm năm năm. Mới đây, phía Mỹ đã đưa ra dự thảo luật trong đó quy định ngay cả đối với công ty có ba lần liên tiếp chịu mức thuế CBPG là 0% thì cũng không thể rút ra khỏi vụ kiện. Nếu dự luật này được thông qua thì VN không còn cách nào thoát khỏi vụ kiện CBPG. “VN chỉ còn một cơ hội cuối cùng là tiếp tục kiện bổ sung Mỹ ra WTO về sử dụng cách tính quy về 0 tại POR 4. Nếu chúng ta thắng kiện trước khi dự luật trên có hiệu lực mới thoát hoàn toàn khỏi vụ kiện CBPG” - ông Quang nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận