Chiếc Boeing B787-9 số hiệu đăng ký quốc tịch VN-A870 gặp tình huống không thả càng khi tiếp cận hạ cánh tại sân bay Melbourne (Úc) ngày 19-9 nên đài kiểm soát không lưu yêu cầu bay lên thực hiện thao tác thả càng rồi tiếp cận hạ cánh lại - Ảnh: VNA
Báo cáo Bộ Giao thông vận tải về sự cố chuyến bay VN781 xảy ra tại sân bay Melbourne (Úc) ngày 19-9, Cục Hàng không cho biết chuyến bay VN781 ngày 19-9 từ Tân Sơn Nhất đi Melbourne là máy bay Boeing B787-9.
Trong quá trình tiếp cận để hạ cánh, tổ bay đã thực hiện tiếp cận không ổn định, đài kiểm soát không lưu sân bay Melbourne phát hiện tình trạng máy bay không thả càng và thông báo cho tổ bay. Tổ bay phải bay lại và tiếp cận lần 2 để hạ cánh.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, Cơ quan an toàn hàng không Úc (ATSB) - cơ quan an toàn hàng không quốc gia xảy ra vụ việc - đã thông báo đến Cục Hàng không Việt Nam về thông tin sự cố và đề nghị cử thành viên tham gia tổ điều tra.
Sau khi nhận được thông tin, Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp Vietnam Airlines cho máy bay dừng khai thác để lấy dữ liệu ghi chuyến bay phục vụ công tác điều tra.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết căn cứ theo Nghị định 75/2007/NĐ-CP về điều tra sự cố tai nạn tàu bay, phần 19 Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay và Phụ ước 13, Công ước Chicago về hàng không dân dụng quốc tế, sự cố này được phân loại sự cố nghiêm trọng (mức B).
Căn cứ theo quy định tại phụ ước 13, Công ước Chicago, Cơ quan an toàn hàng không Úc chịu trách nhiệm điều tra nguyên nhân sự cố, Cục Hàng không Việt Nam đã cử thành viên tham gia điều tra.
Theo thông tin của Cục Hàng không Việt Nam, chuyến bay VN781 có sự cố không thả càng thực hiện bằng máy bay Boeing B787-9, số hiệu đăng ký quốc tịch VN-A870, ngày đăng ký quốc tịch là 22-11-2016. Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay của máy bay còn hiệu lực đến ngày 28-5-2020.
Cơ trưởng và cơ phó của chuyến bay VN781 đều là người Việt Nam. Trong đó cơ trưởng 59 tuổi, có tổng số 20.700 giờ bay, riêng với máy bay Boeing 787 có 1.413 giờ bay.
Cơ phó chuyến bay 30 tuổi, có 4.454 giờ bay, riêng với Boeing 787 có 1.795 giờ bay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một giáo viên bay có kinh nghiệm làm việc với máy bay Boeing 787 cho biết theo quy trình, phi công phải thả càng máy bay khi cách đường băng khoảng 7 - 8 hải lý (nautical mile, từ 13 - 14km), độ cao 2.000 - 2.500 feet (600 - 760m).
Đồng thời kiểm tra toàn bộ càng, cánh tà đã thả chưa trước khi xuống độ cao 1.000 feet (hơn 300m).
Tuy nhiên, khi máy bay Boeing B787-9 thực hiện chuyến bay VN781 tiếp cận hạ cánh sân bay Melbourne, đài không lưu quan sát thấy máy bay ở độ cao dưới 1.000 feet mà chưa thả càng nên thông báo cho phi công bay lên thực hiện tiếp cận hạ cánh lần 2.
Theo vị này, trong tình huống trên vì một lý do nào đó, máy bay đã thực hiện tiếp cận hạ cánh không ổn định nên phi công chậm thực hiện thao tác thả càng ở độ cao quy định.
"Trường hợp không lưu không phát hiện ra sự cố, khi máy bay xuống độ cao dưới 200m, hệ thống cảnh báo va chạm mặt đất (Enhanced ground proximity warning) trên máy bay sẽ phát cảnh báo rất gắt gao về nguy cơ va chạm với mặt đất để phi công biết và kéo máy bay lên, tránh vụ va chạm" - chuyên gia cho biết.
Theo vị này, hệ thống cảnh báo va chạm mặt đất là một hệ thống cảnh báo sử dụng cơ sở dữ liệu địa hình để giúp máy bay tránh va chạm với địa hình phía trước. Khi máy bay gần mặt đất hoặc núi mà cánh tà chưa thả, càng chưa hạ, hệ thống sẽ cảnh báo phi công để tránh va chạm.
Trong hệ thống này có đầy đủ dữ liệu địa hình toàn thế giới nhưng để có chi phí khai thác hợp lý, các hãng hàng không thường mua dữ liệu địa hình từng khu vực máy bay khai thác để cài vào hệ thống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận