Bên cạnh tham gia và phát biểu tại các hội nghị cấp cao này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam cũng gặp gỡ song phương lãnh đạo nhiều nước và các tổ chức bên lề hội nghị, qua đó củng cố quan hệ với các đối tác cũng như thu hút thêm nguồn vốn phục vụ sự phát triển của đất nước.
Sẽ đầu tư lớn cho hạ tầng
Trong ngày 10-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp riêng tổng thống Hàn Quốc, thủ tướng Malaysia, thủ tướng New Zealand, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cùng với lãnh đạo hai ngân hàng lớn AIIB và WB.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hàn Quốc tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông sản, nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc; đồng thời cung cấp các khoản vay ưu đãi cho Việt Nam để triển khai các dự án hạ tầng quy mô lớn, mang tính biểu tượng như đường sắt và đường bộ cao tốc.
Trong cuộc gặp Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) Kim Lập Quần cùng ngày 10-10, Thủ tướng đề nghị AIIB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam huy động nguồn lực thực hiện các dự án lớn, mang tính biểu tượng như tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội; đề nghị AIIB cung cấp các khoản vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để triển khai các dự án quan trọng này.
Ông Kim Lập Quần cho biết AIIB sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam huy động nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm, bảo đảm năng lượng cho vận hành các tuyến đường sắt cao tốc; tham gia các dự án hạ tầng giao thông, y tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng ở tiểu vùng Mekong.
Gặp bà Manuela Ferro - phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về tình hình và các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và ưu tiên thực hiện ba đột phá chiến lược của Việt Nam.
Ông đề nghị WB tiếp tục hỗ trợ, cung cấp các khoản vay ưu đãi để triển khai các dự án trọng điểm về đường sắt cao tốc, tàu điện ngầm, cảng biển, sân bay lớn.
Bà Manuela Ferro ủng hộ tích cực các đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc ưu tiên hỗ trợ cho các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, quy mô lớn.
Phó chủ tịch WB cam kết hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, duy trì tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư chất lượng cao trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn.
Bà Manuela Ferro cũng chia sẻ WB đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn tài chính để giảm lãi suất cho các khoản vay hỗ trợ phát triển.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Lào và Thủ tướng Campuchia đã có cuộc ăn sáng giao lưu đặc biệt với Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC).
Ông mong muốn cộng đồng doanh nghiệp các nước ASEAN tiếp tục hợp tác, ủng hộ, góp phần giúp ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia nâng tầm gắn kết kinh tế ngang tầm gắn kết về địa lý, lịch sử và quan hệ chính trị - ngoại giao.
Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ cùng Chính phủ Lào, Chính phủ Campuchia tạo thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đến hợp tác, đầu tư, kinh doanh.
Thế giới tìm cơ hội ở ASEAN
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang ngày càng trở nên quan trọng trong những năm gần đây nhờ nguồn tài nguyên dồi dào, dân số trẻ với hơn một nửa dưới 30 tuổi, và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
ASEAN với 700 triệu dân đang là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, qua đó trở thành điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh suy thoái toàn cầu và các bất ổn địa chính trị. Do đó, nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ của nhiều cường quốc công nghiệp như Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc đã đích thân đến dự hội nghị này, thay vì cử cấp thấp hơn.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau bay nửa vòng trái đất để đến Lào dự hội nghị, cho thấy cam kết vững chắc của nước này với ASEAN. Ottawa đang kỳ vọng hoàn tất một thỏa thuận thương mại với ASEAN vào cuối năm 2025.
Vừa mới được quốc hội bầu làm tân thủ tướng Nhật Bản đầu tháng này, ông Shigeru Ishiba đã chọn chuỗi hội nghị cấp cao ASEAN tại Vientiane để ra mắt thế giới trên cương vị mới. Trong cuộc họp cấp cao với các lãnh đạo ASEAN ngày 10-10, ông Ishiba khẳng định Tokyo sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với ASEAN.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khẳng định nước này sẵn sàng đóng góp vào nỗ lực chung biến khu vực ASEAN thành một động lực quan trọng cho sự phát triển toàn cầu. Hiện hai bên đang đạt được nhiều tiến triển về nâng cấp thỏa thuận thương mại tự do và dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2025.
"Thị trường của chúng tôi đang mở rộng và cởi mở. Tăng cường các kết nối thị trường là hướng đi quan trọng cho sự hợp tác của chúng ta" - Thủ tướng Lý Cường nêu trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo ASEAN hôm 10-10.
Ông Lý Cường cho biết nếu dân số của Trung Quốc và ASEAN cộng lại thì đây là thị trường hứa hẹn nhất vì chiếm đến 1/4 dân số toàn cầu, nhất là trong bối cảnh bất ổn gia tăng trên thế giới.
Tại hội nghị cấp cao ngày 10-10 ở Vientiane, Hàn Quốc và ASEAN đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
"Dựa trên cấp độ quan hệ cao nhất này, Hàn Quốc và ASEAN sẽ viết một chương mới trong lịch sử về tương lai hai bên cùng chia sẻ. Hàn Quốc sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao ưu tiên ASEAN và sẽ theo đuổi hợp tác toàn diện và ở tất cả lĩnh vực với ASEAN vì sự thịnh vượng chung" - Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chia sẻ.
Mỹ vẫn giữ sự cam kết vững chắc với Đông Nam Á
Dù Tổng thống Biden đã không dự Hội nghị cấp cao ASEAN hai năm liên tiếp, Mỹ vẫn giữ sự cam kết vững chắc với Đông Nam Á.
"Tuyệt đối đừng nghi ngờ về sự cam kết mạnh mẽ của ông ấy (Tổng thống Joe Biden) và Mỹ đối với khu vực này" - Hãng tin AFP dẫn lời ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, nhấn mạnh.
Ông Kritenbrink giải thích cả Tổng thống Biden và Phó tổng thống Kamala Harris đều rất quan tâm đến ASEAN khi cả hai đã thăm tổng cộng 6 quốc gia Đông Nam Á trong nhiệm kỳ và Washington từng tổ chức Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN vào năm 2022.
Đưa Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, về vấn đề Biển Đông, các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đều khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, kêu gọi thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đẩy mạnh nỗ lực sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đưa Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc vào ngày 10-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các bên cần thúc đẩy tầm nhìn hòa bình và an ninh, chung vai gánh vác trách nhiệm đối với hòa bình, gìn giữ môi trường hòa bình để hợp tác và phát triển.
Ông mong ASEAN và Trung Quốc sẽ kết nối lập trường và quan điểm, củng cố tăng cường tin cậy chính trị hơn nữa; phối hợp chặt chẽ, đóng góp tích cực và trách nhiệm đối với hòa bình, an ninh và ổn định; tăng cường đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp tại khu vực, trong đó có Biển Đông; đưa Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững lâu dài; sớm kết thúc đàm phán COC thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận