Trả lời Tuổi Trẻ, Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng cho biết chuyến thăm này của thủ tướng Lý Hiển Long vừa nhằm đáp lễ chuyến thăm trước đó của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Singapore vừa là kỷ niệm hai cột mốc quan trọng trong quan hệ hai nước: 50 năm thiết lập quan hệ và 10 năm Đối tác chiến lược.
Sẽ có sự kiện lớn về kinh tế
* Ông đánh giá ra sao về ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Lý Hiển Long?
- Thủ tướng Lý Hiển Long không phải là người xa lạ đối với đất nước và con người Việt Nam. Trên cương vị thủ tướng, ông Lý Hiển Long đã nhiều lần tới thăm Việt Nam vào các năm 2004, 2010, 2013 và 2017.
Như vậy, đây là lần thứ năm Thủ tướng Lý Hiển Long đến Việt Nam. Điều đó cho thấy sự gần gũi, gắn kết giữa Singapore và Việt Nam, đồng thời tiếp tục củng cố và thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước và hòa bình, ổn định chung trong khu vực và thế giới.
Việt Nam và Singapore có sự tin cậy chính trị cao, cùng nhau chia sẻ lập trường chung về các vấn đề ở khu vực và thế giới. Trong mấy năm gần đây, Singapore luôn là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Không những thế, quan hệ quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường, quan hệ nhân dân ngày càng mở rộng.
Tôi cho rằng đó thực sự là một mối quan hệ đối tác ở tầm chiến lược. Theo như tôi biết trong thời gian thăm Việt Nam, ngoài các hoạt động ngoại giao chính thức, Thủ tướng Lý Hiển Long còn dự các hoạt động quan trọng khác, biểu tượng cho hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đi dạo, chụp ảnh ở hồ Gươm
* Bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay đặt ra không ít thách thức cho Việt Nam và Singapore, chẳng hạn sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nước lớn. Theo ông, Việt Nam và Singapore có thể phối hợp như thế nào để đảm bảo xu hướng phát triển tốt đẹp như thời gian qua?
- Không chỉ cạnh tranh nước lớn gay gắt, nhiều mâu thuẫn trong khu vực có nguy cơ biến thành xung đột nóng nếu không được quản lý chặt chẽ. Tình hình này đặt ra các thách thức lớn về đối ngoại, an ninh và phát triển cho Việt Nam và Singapore.
Để hóa giải các thách thức này, Việt Nam và Singapore cần tiếp tục phối hợp lập trường chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong những vấn đề then chốt, phù hợp với lợi ích của mỗi bên.
Hai nước có thuận lợi là có tầm nhìn tương đồng về nhiều vấn đề quan trọng trong khu vực và quốc tế và cùng là thành viên của các cơ chế đa phương quan trọng. Trong khu vực, Việt Nam và Singapore là những thành viên tích cực của ASEAN và các cơ chế hợp tác kinh tế đa phương như RCEP, CPTPP. Ở phạm vi toàn cầu, hai nước cũng là thành viên tích cực trong các cơ chế của Liên Hiệp Quốc.
Hai bên cần tích cực phối hợp trong các vấn đề quốc tế cả ở cấp độ song phương và đa phương. Về song phương, hai bên cần tiếp tục triển khai các cơ chế hợp tác đã có một cách hiệu quả, đặc biệt trên lĩnh vực chính trị (ví dụ cơ chế tham vấn chính trị thường niên giữa hai nước).
Phải đảm bảo sớm trao đổi, chia sẻ thẳng thắn và chân thành với nhau về những vấn đề quốc tế và song phương, kể cả các vấn đề hai bên còn khác biệt, từ đó tránh những hiểu lầm không đáng có.
Về đa phương, hai nước có thể tập trung phối hợp một số nội dung cơ bản như khẳng định vai trò tối thượng của luật pháp quốc tế trong xây dựng trật tự khu vực và quốc tế, phấn đấu đảm bảo tính thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề an ninh khu vực; cùng góp phần định hình các cơ chế hợp tác kinh tế đa phương, đặc biệt các thỏa thuận đa phương mới như CPTPP và RCEP, trên nguyên tắc mở, mang tính bao trùm, vì hòa bình, ổn định và cùng có lợi.
Thúc đẩy kinh tế xanh - kinh tế số
* Trong chuyến thăm Singapore vào tháng 2-2023, Việt Nam và Singapore đã thiết lập quan hệ Đối tác kinh tế số - kinh tế xanh. Việc triển khai hiện nay đã đến đâu rồi, thưa ông?
- Hiện nay hai nước đang tích cực triển khai thỏa thuận này. Về song phương, hai nước đang tích cực trao đổi, đàm phán các nội dung hợp tác cụ thể để hiện thực hóa thỏa thuận giữa hai nước.
Trong đó bao gồm hợp tác phát triển, kết nối chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, chia sẻ, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia. Ngoài ra còn có phát triển nguồn năng lượng xanh, năng lượng bền vững, hợp tác giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Riêng phía Việt Nam, ngày 2-8 vừa qua, Thủ tướng đã ký quyết định thành lập tổ công tác liên ngành triển khai MOU về quan hệ Đối tác kinh tế xanh - kinh tế số Việt Nam và Singapore. Quyết định này được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực mạnh mẽ cho việc triển khai thỏa thuận từ phía Việt Nam.
* Việt Nam và Singapore đã ký hiệp định khung về kết nối hai nước vào năm 2006. Theo ông, đâu sẽ là những lĩnh vực mà hai nước sẽ ưu tiên kết nối nếu nâng cấp hiệp định khung?
- Hiệp định này đã tồn tại gần 20 năm, đến nay nhiều điểm không còn theo kịp đà phát triển của khoa học kỹ thuật và thực tiễn phát triển của hai nước. Do vậy, Việt Nam và Singapore đang đàm phán nâng cấp hiệp định theo hướng tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai bên, đặc biệt trong những lĩnh vực hướng tới tương lai.
Ngoài các trụ cột đã có trong hiệp định hiện nay về thương mại, du lịch, viễn thông, giáo dục hay tài chính, hai bên sẽ phát triển thêm các trụ cột hợp tác mới về các lĩnh vực như năng lượng xanh, phát triển bền vững, cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân tài.
* Xin cảm ơn ông!
Thủ tướng Lý Hiển Long dạo hồ Gươm, ăn đồ Việt
Hôm nay (28-8), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón chính thức và hội đàm với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Hai nhà lãnh đạo sẽ cùng chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện sau đó. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng sẽ có các cuộc gặp với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng ngày.
Trước đó vào tối 27-8, không lâu sau khi đến Hà Nội, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng một số quan chức tháp tùng đã đi ăn tối tại một nhà hàng chuyên về đồ Việt ở Hà Nội. Rời quán Việt nói trên, Thủ tướng Lý Hiển Long và các quan chức đã hòa vào dòng người ở phố đi bộ bờ hồ Hoàn Kiếm. Vì là ngày cuối tuần nên lượng người đổ về đây rất đông để vui chơi, dạo mát.
Thủ tướng Lý Hiển Long xuống xe và tản bộ từ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, dọc theo hồ Gươm về phía đền Ngọc Sơn. Ông chụp rất nhiều ảnh vì có sở thích cập nhật hoạt động của mình trên mạng xã hội. Nhà lãnh đạo Singapore cũng nổi tiếng vì sở thích chạy bộ và bơi lội. Ông vào thăm đền Ngọc Sơn và về khách sạn sau khoảng 20 phút.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận