17/11/2024 13:04 GMT+7

Việt Nam sẽ đóng góp trách nhiệm cho Hội nghị G20

Sự hiện diện của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay không chỉ thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương, mà còn là mong muốn đóng góp và cùng giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu.

Việt Nam sẽ đóng góp trách nhiệm cho Hội nghị G20 - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân lên đường dự Hội nghị G20 và tiến hành một số hoạt động song phương tại Rio de Janeiro từ ngày 16 đến 19-11 - Ảnh: NGUYỄN HỒNG

Chiều 16-11 (giờ Brazil, tức rạng sáng 17-11 theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân đã đến sân bay Galeao (thành phố Rio de Janeiro), bắt đầu các hoạt động của chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20

Việt Nam được kỳ vọng sẽ mang đến những bài học kinh nghiệm quý báu và đóng góp tiếng nói tích cực vào các vấn đề toàn cầu.

Mối quan tâm chung

Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 19 diễn ra với chủ đề "Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững" và tập trung vào ba ưu tiên chính: xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững kết hợp chuyển đổi năng lượng, và cải cách các thể chế quản trị toàn cầu.

"Thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong giai đoạn chuyển giao quyền lực tổng thống ở Mỹ và có vẻ như điều đó sẽ thiết lập một bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của nước này. Căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc hay nước thứ ba có khả năng sẽ trở nên phức tạp hơn, đồng thời hệ thống thương mại dựa trên luật lệ có thể sẽ suy yếu" - GS Fukunari Kimura, nhà kinh tế trưởng Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), nói với Tuổi Trẻ.

Đồng quan điểm, GS Julien Chaisse thuộc Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cũng chia sẻ với Tuổi Trẻ những dự đoán của ông về chính sách thương mại của chính quyền Trump 2.0. Các nước sẽ phải đối diện với lựa chọn hoặc thương mại đa phương hoặc các khối thương mại mang tính khu vực.

"Thượng đỉnh G20 năm nay sẽ tập trung vào những vấn đề toàn cầu cấp bách vì các nước vẫn phải đối mặt với thách thức kinh tế sau đại dịch và lo ngại về nguồn cung năng lượng. Brazil có thể ủng hộ các chính sách chuyển đổi năng lượng đặt ra những mục tiêu hợp lý cho các nền kinh tế đang phát triển thay vì áp đặt các tiêu chuẩn nặng nề", GS Julien Chaisse nhận định.

Trong bối cảnh đó, việc Brazil mời các nước đang phát triển như Việt Nam nằm trong nỗ lực tăng tiếng nói của các nước Nam Bán cầu (phân chia theo trình độ phát triển, không theo địa lý). Đây cũng là một trong những mục tiêu mà nước chủ tịch G20 năm 2023 (Ấn Độ) theo đuổi.

Việt Nam được các nước Nam Bán cầu ngưỡng mộ, xem là minh chứng tốt nhất về việc sử dụng tích cực các lực lượng toàn cầu hóa cho sự phát triển kinh tế của mình. Vai trò của Việt Nam tại thượng đỉnh G20 sẽ thuyết phục các thành viên Nam Bán cầu của G20 giữ thái độ trung lập, ủng hộ thương mại và đầu tư tự do, duy trì hệ một thống thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ.

Ông Fukunari Kimura nhận định với Tuổi Trẻ

Thêm bạn tốt để phát triển đất nước

Ngoài các thành viên chính thức của G20, hội nghị năm nay có sự tham dự của các nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ của 19 nước khách mời và lãnh đạo 15 tổ chức quốc tế chủ chốt. Đây là sự kiện quan trọng nhất, khép lại năm chủ tịch G20 rất bận rộn và cũng rất hiệu quả của Brazil với hơn 100 cuộc họp của 16 nhóm công tác và gần 20 hội nghị bộ trưởng.

GS Julien Chaisse, chuyên gia hàng đầu về toàn cầu hóa, cho rằng việc mở rộng thành phần tham dự thượng đỉnh G20 sẽ mang lại "những góc nhìn mới và có giá trị". Tuy nhiên ông cũng cảnh báo việc tăng số lượng thành viên chính thức có thể làm chậm quá trình ra quyết định. 

Ông đề xuất một giải pháp thực tế hơn là dành vai trò quan sát viên cho một số nước, tạo điều kiện cho họ đóng góp mà không làm phức tạp thêm các thảo luận. "Chiến lược này sẽ cho phép các nền kinh tế mới nổi đưa các vấn đề của họ lên bàn mà không làm quá tải các quy trình của G20", ông Chaisse nhận định.

Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình cho biết trong khuôn khổ thượng đỉnh G20, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến chia sẻ những bài học quý báu về chống đói nghèo - một lĩnh vực Việt Nam có nhiều kinh nghiệm và đã đạt thành tựu to lớn, được cả thế giới ghi nhận và đánh giá cao. 

Để thể hiện sự đoàn kết trong tìm kiếm giải pháp về quản trị toàn cầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ hưởng ứng Lời kêu gọi hành động về cải cách quản trị toàn cầu. Khẳng định cam kết trong ứng phó các thách thức toàn cầu, Thủ tướng cũng sẽ dự lễ phát động Sáng kiến "Liên minh toàn cầu chống đói nghèo" với tư cách thành viên sáng lập.

GS Julien Chaisse tin rằng Việt Nam sẽ có được những cơ hội có giá trị thông qua việc tham gia thượng đỉnh G20, giúp mở ra những thảo luận phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế và hợp tác toàn cầu của Việt Nam. 

"Việc tham dự các hội nghị thượng đỉnh này sẽ củng cố lập trường của Việt Nam về chính sách thương mại công bằng và tài chính bền vững, góp phần vào sự ổn định của khu vực và quốc tế. 

Sự hiện diện của Việt Nam tại G20 cũng báo hiệu vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu, thu hút các quan hệ đối tác có thể thúc đẩy các mục tiêu phát triển đất nước", ông Julien Chaisse nói.

Việt Nam sẽ đóng góp trách nhiệm cho Hội nghị G20 - Ảnh 3.Ông Putin không dự thượng đỉnh G20 ở Brazil, cử người đại diện

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sẽ không dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brazil vào tháng 11 và lệnh bắt giữ của ICC không phải là yếu tố cần để tâm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp