Vì không có nhãn 13+ nên Chạy đi rồi tính bị dán nhãn 16+ và diễn viên nhí vai Subin đã khóc nức nở trong buổi ra mắt phim vì em không được vào xem phim mình đóng - Ảnh: FB đạo diễn |
Việc phân loại và gắn nhãn phim chiếu rạp sẽ theo độ tuổi với các cấp độ như phổ biến, 13+, 16+, 18+.
Bảng tiêu chí đưa ra bốn mức phân loại phim: phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng (P); phim cấm phổ biến đến khán giả dưới 13 tuổi (C13), phim cấm phổ biến đến khán giả dưới 16 tuổi (C16); phim cấm phố biến đến khán giả dưới 18 tuổi (C18).
Cách phân loại phim theo lứa tuổi được dựa trên những tiêu chí như: chủ đề, ngôn ngữ, nội dung phim; mức độ cảnh bạo lực, cảnh khoả thân, cảnh quan hệ tình dục, mức độ sử dụng ma tuý, chất gây nghiện…
Phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng sẽ cấm các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện cảnh bạo lực, khoả thân, tình dục, sử dụng ma tuý và các chất kích thích, gây nghiện cũng như các cảnh kinh dị, ngôn ngữ thô tục.
Tiếp sau đó, các cảnh khoả thân, bạo lực, quan hệ tình dục… được nới lỏng dần theo lứa tuổi. Ở loại phim C13, sẽ cấm những hành động bạo lực được miêu tả chi tiết, có thời lượng kéo dài; chỉ chấp nhận hình ảnh khoả thân không trực diện phía trước, phía sau hoặc hình ảnh khoả thân phần trên phía trước của phụ nữ không liên quan đến tình dục hoặc trong các phim khoa giáo, phim liên quan đến y tế, chăm sóc sức khoẻ, cách sống của thổ dân, dân tộc thiểu sổ.
Hạng mục này cũng không chấp nhận cảnh thể hiện hoạt động tình dục, việc dùng ma tuý và các chất kích thích gây nghiện, cảnh kinh dị gây sợ hãi được miêu tả chi tiết hoặc ngôn ngữ thô tục…
Ở loại phim C16, sẽ cấm các cảnh giết người, gây đau đớn, thương tích, chảy máu thường xuyên cũng như các hình ảnh khoả thân và hoạt động tình dục được miêu tả chi tiết, kéo dài.
Loại phim C18, các tiêu chí phân loại đã được nới lỏng hơn, chỉ cấm các cảnh phim tả thực cảnh bạo lực gây tác động mạnh đến người xem; cấm các hình ảnh khoả thân toàn phần hoặc cảnh miêu tả chi tiết bộ phận sinh dục cũng như hoạt động tình dục; những hình xăm phản cảm và cảnh miêu tả chi tiết việc buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma tuý cũng không được chấp nhận.
Để thực hiện việc dán nhãn phân loại phim theo lứa tuổi, Cục Điện ảnh đã yêu cầu các cơ sở phát hành, phổ biến phim phải thông báo công khai đến khán giả tại các rạp chiếu phim thông tin về phân loại phim cũng như cách thức kiểm soát, kiểm tra tuổi đối với khán giả vào xem phim.
Nếu quy định phân loại phim có sớm thì phải chăng 50 sắc thái chiếu ở VN sẽ được dán nhãn 18+ thay vì bị cắt hết các cảnh nhạy cảm và dán nhãn 16+ như trước đây? |
Đạo diễn, diễn viên ủng hộ việc phân loại phim
Sẽ ra mắt bộ phim điện ảnh đầu tay thuộc thể loại phim kinh dị mang tên Oán vào ngày 6-1-2017, thời điểm mà các phim ra rạp sẽ được dán nhãn theo Bảng tiêu chí phân loại phim đã được Bộ VH, TT&DL thông qua, đạo diễn - diễn viên Huỳnh Đông chia sẻ:
“Bản thân tôi rất ủng hộ việc dán nhãn phân loại phim và độ tuổi khán giả cho phim của Bộ VH, TT&DL. Việc này sẽ có lợi cho cả ba bên là nhà sản xuất, khán giả và bản thân đạo diễn làm phim. Nhà sản xuất nắm được đối tượng xem phim mình là ai sẽ mạnh dạn đầu tư thêm kinh phí, không sợ phim khi đi kiểm duyệt sẽ bị cắt một cách oan ức.
Đạo diễn làm phim cũng sẽ thoải mái, bay bổng hơn với tác phẩm của mình nếu họ đã xác định được khán giả của mình là ai. Và cuối cùng, khán giả sẽ không phải nơm nớp lo sợ là liệu bộ phim này có phù hợp với con mình không, có phản cảm không? Trên thế giới việc dãn nhãn phân loại phim đã được làm từ lâu, Việt Nam mình không có lí do gì để ngần ngại”.
Huỳnh Đông cũng cho biết thêm, Oán cũng đã Cục điện ảnh dán nhãn 16+. Bộ phim kể về một chuyến đi của nhóm bạn gồm An, Luân, Nhi về Đà Lạt để thực hiện một hợp đồng. Luân không muốn trở về nhà dù ba mẹ anh đang ở trong một biệt thự tiện nghi ở Đà Lạt.
Nhưng rồi lại buộc phải đưa nhóm bạn đến nhà khi tình cờ gặp ba Luân trên đường. Trong ngôi biệt thự sang trọng, cả nhóm bị cuốn vào những điều kỳ lạ khi có một thế lực vô hình đang âm thầm quấy phá sự bình yên của ngôi nhà.Tiếp đó, những sự kiện bí ẩn liên tục xảy ra, khiến cho bà Kim - mẹ Luân ngày càng rơi vào hoảng loạn. Còn ông Đoàn, ba của Luân lại như đang che giấu lời giải đáp…
Trong khi đó, Bảo Nhân - một trong hai đạo diễn của Chạy đi rồi tính ra rạp vào dịp Tết Dương lịch 2017 và cũng đang được gắn mác 16+ lại ước:
“Giá như mà biết việc phân loại này sớm hơn thì bộ phim của tôi sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp để mọi người có thể đến rạp xem phim nhiều hơn. Hiện nay tôi cũng chưa được đọc Bảng tiêu chí phân loại này nên chưa thể bình luận gì thêm nhưng tôi thấy việc “phân đất” như thế này là một tín hiệu tốt. Dòng phim nào cũng có khán giả của riêng mình, việc này cũng giúp người làm phim cảm thấy dễ thở hơn. Đây là một điều tiên tiến và đáng mừng cho điện ảnh Việt Nam”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận