Ảnh loài mang quý hiếm vừa phát hiện ở Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền - Ảnh: Khu bảo tồn Phong Điền
Kết quả bất ngờ ngoài mong đợi. Mục đích ban đầu là tìm loài gà lôi lam mào trắng nhưng phát hiện thêm loài mang đặc biệt quý hiếm này cùng nhiều loài nguy cấp khác.
Ông Lê Ngọc Tuấn (giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền)
Ngày 7-6, ông Lê Ngọc Tuấn - giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (Thừa Thiên Huế) - vui mừng "khoe" đợt bẫy ảnh trong khu bảo tồn có kết quả ngoài mong đợi.
Bẫy ảnh gà lôi, thu ảnh mang đặc hữu
Đầu tháng 3, ban quản lý Khu bảo tồn Phong Điền cùng Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt đã cùng "hành quân" vào rừng sâu để đặt bẫy ảnh. Vùng rừng này được biết đến là nơi sinh sống duy nhất trên thế giới (đặc hữu) của loài gà lôi lam mào trắng (lophura edwardsi).
Mục đích đặt bẫy ảnh là để tái ghi nhận loài chim trong tình trạng cực kỳ nguy cấp. Họ đem theo 110 máy bẫy ảnh, tìm đến những sinh cảnh của loài vật này là những khu đồi lá nón, cao dưới 400m, ven khe suối...
Trời nắng nóng kéo dài, họ phải mất hơn một ngày đường mới vào tới các tiểu khu 33, 37, 38 và 48 giữa khu bảo tồn. Dựng lán nghỉ ngơi ban đêm, ban ngày họ chia nhóm tìm các điểm thích hợp đặt bẫy ảnh. Để xác định địa điểm dễ có loài vật xuất hiện và có chỗ gắn máy ghi hình đẹp là không dễ.
Nhiều ngày có nhóm phải đi rất xa, mất nhiều thời gian. Có hôm nhóm xuất phát từ lán trại lúc 7h sáng, đến sau 20h mới về đến chỗ nghỉ ngơi. Kỹ sư Trần Văn Nhật kể: "Có ngày chúng tôi phải đi rừng sâu đến 30 cây số, nhiều dốc núi cao, nắng như thiêu đốt. Tôi thuộc hàng trẻ nhưng có lúc tưởng đi không nổi, nhất là khi thiếu nước".
Ngày 25-5, nhóm công tác khu bảo tồn tiếp tục gạo đùm cơm bới tiến vào rừng sâu tháo máy ảnh đem về. Dù không tốn quá nhiều thời gian để mò mẫm vị trí đặt bẫy ảnh nữa, mà chỉ tìm đến vị trí đã đánh dấu, song cũng không mấy dễ dàng vì trời nắng như thiêu đốt kéo dài. Bù lại, mọi người ai cũng vui sướng trước kết quả chuyến đi.
"Mở máy ảnh, tôi sững sờ thấy bức ảnh hình như là loài mang quý hiếm. Tôi lên mạng tra, đoán chắc đó là loài mang lớn, loài móng guốc nguy cấp. Tôi hét lên vì sung sướng, gọi anh em đến xem, tất cả cùng vỡ òa" - kỹ sư Hoàng Tấn Phát kể.
Ông Lê Ngọc Tuấn vô cùng mừng rỡ với phát hiện loài mang lớn này. Với ông, thông tin ấy mang tính "chấn động" vì loài này nguy cơ tuyệt chủng cấp cao nhất. Sợ thông tin lọt đến các thợ săn làm ảnh hưởng đến công tác bảo vệ khu bảo tồn, ông Tuấn báo nhanh với cấp trên.
Ngay lập tức, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn - phó giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế - đã liên lạc với TS Rob Timmins - giám đốc kỹ thuật Saola Foundation, chuyên gia hàng đầu thế giới về thú móng guốc.
Phân tích hình ảnh, TS Rob Timmins cho rằng đây không phải là mang lớn. TS Rob Timmins nghi ngờ giữa mang Trường Sơn và mang roosevel (muntiacus rooseveltorum). Nhưng đặc biệt là cả hai loài này đều thuộc loài thú móng guốc đặc hữu, quý hiếm vừa phát hiện hoặc tái phát hiện tại Việt Nam và Lào.
Bức ảnh độc đáo với sự xuất hiện cùng lúc hai con mang tưởng chừng đã tuyệt chủng - Ảnh: Khu bảo tồn Phong Điền
Rừng giàu đang dần phục hồi
Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền thành lập năm 2006, trên khu vực rộng gần 41.000ha thuộc huyện A Lưới và Phong Điền (Thừa Thiên Huế), được giới chuyên môn biết đến với loài đặc hữu gà lôi lam mào trắng.
Các chuyên gia từng nhận định có khả năng có phân bố loài mang Trường Sơn. Nhưng suốt thời gian dài, thông tin về loài này tại khu bảo tồn bặt vô âm tín. Và nay, loài thú móng guốc quý giá, nguy cơ tuyệt chủng nguy cấp chính thức được phát hiện.
Đợt bẫy ảnh vừa rồi trên diện tích 11ha, có ít nhất 11 ảnh chụp được mang, gồm ba bức chụp ban ngày và tám bức chụp đêm, và đều rất đẹp. Trong đó, 6 bức chụp flash đêm trông thật rõ nét, chi tiết. Đặc biệt hơn cả là bức ảnh chụp bằng hồng ngoại xuất hiện cùng lúc hai con mang...
Đặc biệt, ngoài loài mang quý, đợt bẫy ảnh còn phát hiện sự xuất hiện 30 loài thú và chim quý khác. Trong đó, những loài nguy cấp, quý hiếm như trĩ sao (rheinardia ocellata), thỏ vằn Trường Sơn (nesolagus timminsi), sơn dương (capricornis milneedwardsii maritimus), khỉ mặt đỏ (macaca arctoides)... Có loài như cầy vằn (chrotogale owstoni), trong đợt bẫy ảnh năm 2017 chỉ ghi nhận từng con đơn lẻ, trong khi lần này có bức ảnh xuất hiện đến ba con gồm một con lớn và hai con nhỏ...
"Chỉ diện tích 11ha bẫy ảnh mà thu được thế chứng tỏ khu bảo tồn đa dạng sinh học rất cao. Chúng tôi sẽ cập nhật các loài động vật quý hiếm trong khu bảo tồn, qua đó lập bản đồ phân bố các loài động vật và đề ra giải pháp quản lý, bảo vệ hiệu quả" - ông Lê Ngọc Tuấn nói.
Ông Tuấn báo thêm thông tin đáng mừng: thời gian qua, tình hình phá rừng ở khu bảo tồn giảm mạnh đến khoảng 70 - 80%. Nhiều khu vực cây rừng có sự hồi sinh. Trong các đợt kiểm tra, tần suất bắt gặp dấu chân, thức ăn để lại và phân các loài động vật nhiều hơn so với trước. Đặc biệt, tần suất xuất hiện các loài động vật trong các đợt bẫy ảnh ngày càng nhiều, cả số loài lẫn số con...
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, từ trước đến nay lực lượng điều tra, nghiên cứu chỉ có điều kiện tiếp cận trên diện tích khiêm tốn so với khu bảo tồn rộng lớn. "Nếu có điều kiện nhiều hơn để mở rộng khu vực đặt bẫy ảnh và các phương pháp điều tra, nghiên cứu khác, tôi tin kết quả ghi nhận được sẽ tiếp tục bất ngờ" - ông Tuấn bày tỏ.
Cầy vòi mốc chụp lúc 22h56 ngày 10-4 - Ảnh: Khu bảo tồn Phong Điền
Cả bầy cầy vằn chụp được lúc 3h02 sáng Ảnh: Khu bảo tồn Phong Điền
"Những phát hiện gần đây về các loài thú quý hiếm, đặc hữu tại Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Khu bảo tồn sao la Thừa Thiên Huế và Vườn quốc gia Bạch Mã cho thấy vùng sinh thái Trung Trường Sơn đang ẩn chứa những điều thú vị cần tiếp tục khám phá.
Hiện Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế đang cùng các tổ chức quốc tế về bảo tồn xây dựng bản chiến lược và chương trình hành động để tiến tới bảo tồn hiệu quả vùng cảnh quan quan trọng này, hướng đến xây dựng khu sinh quyển dự trữ thế giới cho vùng hành lang xanh nối các khu bảo tồn hiện có tại Thừa Thiên Huế" - ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, phó giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế, cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận