Lấy Paris làm nơi hội tụ, Ici Vietnam (Việt Nam ở đây) do thành viên thế hệ thứ hai của Hội Người Việt Nam tại Pháp sáng lập, là điểm hẹn thường niên của các nhà làm phim gốc Việt sinh trưởng ở nước ngoài.
Cũng như những lần trước mà mỗi ngày một phong phú, đông đảo, sâu sắc hơn, Ici Vietnam là nơi bày tỏ tình cảm và góc nhìn của những người trẻ mang dòng máu Việt đang sống khắp nơi trên thế giới.
Hợp lưu văn hóa tháng mười
Khai trương tại Paris năm 2018, Ici Vietnam Festival Cinéma là nhánh điện ảnh của Hội Ici Vietnam Festival đa ngành bao gồm điện ảnh, âm nhạc, văn học, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc, giới thiệu ẩm thực đường phố...
Mục tiêu là tôn vinh cảm xúc, thiết lập cầu nối, hợp tác giữa các nghệ sĩ gốc Việt - những người thông qua sáng tạo của mình - để đặt câu hỏi về nguồn gốc và ký ức của họ, dù tập thể, gia đình hay văn hóa cá nhân; mang đến cho khán giả những trải nghiệm nghệ thuật hỗn hợp, giao thoa giữa văn hóa Việt và các nền văn hóa khác.
Lễ hội Ici Vietnam, như giới thiệu của mình, phản ánh khung cảnh đương đại, tìm thấy nguồn cảm hứng từ sự hòa trộn, đan xen các nền văn hóa.
Với ê kíp điều hành hoàn toàn thiện nguyện, đứng đầu là Sylvie Gadmer - nữ dựng phim, nhà sư phạm điện ảnh Pháp mà tên tuổi gắn liền với dòng phim Varan ở Việt Nam, Liên hoan phim Việt Nam ở đây đã khẳng định vị trí độc đáo của nó trong nền điện ảnh Việt Nam.
Tổ chức vào hai ngày 21 và 22-10 tại rạp Le Grand Action, quận 5 Paris, Ici Vietnam đã trình chiếu 12 phim được giám tuyển thuộc các thể loại phim truyện, tài liệu, hoạt hình đến từ Việt Nam, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, CH Czech, Ireland...
Cả bốn suất chiếu đều thu hút công chúng quan tâm đến hợp lưu văn hóa thông qua ống kính của các đạo diễn trẻ gốc Việt. Và càng thích thú hơn khi sau mỗi phim khán giả được giao lưu trực tiếp hoặc trực tuyến với tác giả của những câu chuyện độc đáo pha trộn thơ ca, cảm xúc kịch tính và hài hước.
Từ những câu chuyện của họ, người xem nhận ra những góc nhìn đa dạng, cảm động về xã hội, đất nước, gia đình...
Xiếc gia đình và I love you first
Mỗi phim có một vẻ hay riêng, nhưng cá nhân người viết đặc biệt chú ý hai phim. Thứ nhất là phim Mỹ The Family Circus (Xiếc gia đình) của đạo diễn gốc Việt Andrew Fitzgerald.
Phim kể về một gia đình Mỹ có mẹ Việt và hai con trai đang cố gắng qua mặt cảnh sát bằng cách để cha và đứa em nhận lỗi vụ va chạm nhỏ do con trưởng lái xe khi say xỉn.
Sự dối trá tạo ra hàng loạt chi tiết khôi hài nhưng có một khoảng lặng làm ta cảm động: trong cuộc nói chuyện cởi mở, viên cảnh sát kể ông đã từng nóng giận đánh cháu và mãi mãi ân hận điều này.
Người phụ nữ Việt từ đầu im lặng đã đặt tay mình lên tay ông như sự cảm thông. Kế hoạch dối trá rốt cuộc bại lộ khi thủ phạm chính đang trốn trong phòng xuất hiện.
Bà mẹ Việt Nam nóng giận quơ nồi trong bếp đánh con cùng tràng la hét tiếng... Việt! Sự thật phơi bày nhưng viên cảnh sát lẳng lặng rời đi, cảm thông...
Phim thứ hai tạo bất ngờ cho người viết là của nữ đạo diễn Triệu Hải Anh - nhà làm phim và nghệ sĩ biểu diễn người Đức gốc Việt sống ở Berlin.
Là con của những người lao động Việt Nam ở Tiệp Khắc, sau tị nạn ở nước Đức thống nhất, Hải Anh trải nghiệm sâu sắc sự di dời, động lực sống của cộng đồng hải ngoại và cấu trúc gia đình xuyên thế hệ.
Chuyện phim bắt đầu từ chỗ bé Thi đi chơi với mẹ và đòi vô rừng trong lúc mẹ cô đặc biệt sợ rừng.
Cô bé biến mất và trong lúc người mẹ hoảng hốt đi tìm kiếm thì đứa con tưởng tượng ra ký ức chuyến vượt biên của mẹ qua rừng Bayern đến Đức khi đang... mang thai cô! Toàn bộ hiện thực chuyến đi khốc liệt là tưởng tượng của cô bé - đạo diễn.
Bằng sáng tạo đặc sắc, bộ phim toát lên sự yêu thương, chia sẻ như cái tên chứa đựng hai chiều nghĩa - I love you first.
Tha thiết chiếu phim trên đất nước Việt Nam
Mặc dù đang phát triển rất tốt nhưng như cái tên trìu mến của mình, ban tổ chức Liên hoan phim Việt Nam ở đây vẫn tha thiết có dịp chiếu phim chính thức trên đất nước Việt Nam.
Thiết nghi nếu Liên hoan phim ngắn TP.HCM các lần sau có thêm nhánh chung vui dành cho những đứa con điện ảnh phương xa thì thành công của liên hoan phim sẽ càng lớn; không chỉ ở quy mô hội nhập, sắc màu hội lễ mà còn chứng minh tâm thế tự tin, cởi mở của TP với nghệ thuật, với con người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận