Phóng to |
Thế giới ngày càng nhỏ hẹp, một sự kiện bùng nổ ở bên này bán cầu, bên kia bán cầu có thể biết ngay lập tức. Những dây chuyền sản xuất cổ điển bị phá vỡ do sự mọc lên những phân xưởng thế giới, những trung tâm gia công nước ngoài. Môi trường làm việc phẳng hơn, lỏng lẻo hơn; chất xám không hứa hẹn gắn liền với một công ty... Đó chỉ là một số trong rất nhiều xu hướng mới, đặt các quốc gia trước yêu cầu chuyển đổi để tiếp cận nền kinh tế tri thức (KTTT) hầu tăng tính cạnh tranh.
KTTT không có nghĩa kinh tế IT
Hội thảo "Phát triển các chiến lược KTTT để cải thiện tính cạnh tranh" diễn ra tại Seoul (14 đến 18-7) cho cái nhìn về bối cảnh tiếp cận KTTT của một số quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó có VN. Hội thảo do Viện Ngân hàng thế giới (WBI - một bộ phận của Ngân hàng Thế giới, chuyên hỗ trợ đào tạo và tư vấn) phối hợp với Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) tổ chức.
Nền KTTT - theo định nghĩa của WBI - là "nền kinh tế dựa vào tri thức như động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Đó là nền kinh tế trong đó kiến thức được lĩnh hội, sáng tạo, phổ biến và vận dụng để thúc đẩy phát triển". Tại hội thảo, Jean-Eric Aubert, chuyên gia hàng đầu của WBI, nói cụ thể hơn: "Phải phân biệt đó không phải là nền kinh tế dựa vào công nghệ và viễn thông! KTTT là đặt tri thức, sáng tạo và các chính sách liên quan đến chúng vào trọng tâm của chiến lược phát triển cho tất cả các nước ở nhiều mức độ phát triển khác nhau".
VN tụt hậu trong khu vực
VN đang tụt lại phía sau hầu hết các nước Đông Á - Thái Bình Dương (EAP) về chỉ số KTTT. Điểm tổng các chỉ số của VN gần đây nhất là 3,17 so với bình quân của EAP là 6,61 (nơi điểm 10 là tốt nhất). Tuy nhiên, phải nhìn nhận VN đã cải thiện vị thế của mình đáng kể so với chính VN thời năm 1995, nơi điểm của VN chỉ là 2,62, cải thiện được 12 hạng. Tuy nhiên, cũng trong thời kỳ đó các nước EAP đã tiến nhiều hơn. Theo các con số, VN đứng sau các nước EAP ở tất cả 12 chỉ số phụ của KEI. Những lĩnh vực mà VN tụt hậu nhiều hơn trong EAP là ở số bằng sáng chế và các bài báo khoa học trên 1 triệu người, số máy tính và khả năng tiếp cận Internet… Tuy nhiên quan trọng nhất, theo tôi, là ở các chỉ số điều hành (nhất là việc kiểm soát tham nhũng, chất lượng quản lý) và giáo dục (đặc biệt là tỉ lệ giáo dục đại học hoặc cao đẳng, khi tỉ lệ học đại học, cao đẳng VN chỉ đạt 16% so với mức trung bình là 38% của EAP). |
Theo nhận định của WBI, một quốc gia muốn chuyển sang nền KTTT cần hình thành bốn trụ cột sau: lực lượng lao động có giáo dục và kỹ năng, hệ thống sáng tạo hiệu quả, cơ sở hạ tầng thông tin (ICT) hiện đại, hệ thống thể chế và kinh tế được cập nhật.
Căn cứ vào các chỉ số bình quân từ dữ liệu của bốn trụ cột này, WB đưa ra chỉ số KTTT (KEI) nhằm "đong đo" sự chuẩn bị của một đất nước để chuyển sang nền KTTT. Tổng cộng có 81 tiêu chí được đưa ra so sánh trong tương quan 132 quốc gia, với điểm số từ 0 (yếu nhất) đến 10 (mạnh nhất). Theo chỉ số KEI, năm 2006 VN đạt 3,17 điểm, xếp hạng 96 trên 132 quốc gia (nguồn: www.worldbank.org/kam).
Hai câu chuyện thành công
Kinh nghiệm sử dụng hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để nâng trình độ các công ty và lực lượng lao động được tiến sĩ người Singapore Wong Kok Seng đúc kết sau nhiều năm làm việc trong Ủy ban Phát triển kinh tế (EDB) Singapore. Ông kể: EDB ra đời năm 1961, định hướng phát triển các ngành công nghiệp nhắm vào xuất khẩu để thu hút FDI và "rù quến" các tập đoàn đa quốc gia (MNC). EDB liên kết với các MNC đầu tư vào Singapore thành lập các trung tâm đào tạo đội ngũ lao động lành nghề...
Tiếp đó, EDB đưa ra "Chương trình nâng cao công nghiệp địa phương" (LIUP), kêu gọi các MNC thuyên chuyển giám đốc của họ sang Singapore để giúp các công ty công nghiệp cải thiện tiêu chuẩn điều hành và khả năng hoạt động. Đổi lại, Chính phủ Singapore phụ trách trả lương. Nhờ đó Singapore du nhập được những công nghệ mới nhất khi đó như công nghệ in ấn.
Tiến sĩ Wong kết luận 40 năm trước Singapore đã may mắn khi thu hút được các MNC, vì hiện nay ít có quốc gia nào có thể qua mặt được hai trung tâm thu hút MNC mới là Trung Quốc và Ấn Độ. Khi một thành viên hội thảo đặt câu hỏi về lý do EDB hoạt động hiệu quả, tiến sĩ Wong cười đáp: "Chỉ vì Singapore trong suốt thời gian đó, khác với các nước châu Á khác, có một chính phủ ổn định và chỉ có một "cửa" ở EDB, không qua bất cứ tầng nấc nào!".
Câu chuyện thành công thứ hai thuộc về lĩnh vực giáo dục của Hàn Quốc. Trong 40 năm qua, hệ thống giáo dục Hàn Quốc đã mở rộng được số lượng song song với việc cải thiện chất lượng giáo dục. Nhờ đâu? Theo tiến sĩ Suh Joong Hae, Hàn Quốc rất thành công trong việc động viên khu vực tư nhân đầu tư vào giáo dục.
Trong khi chính phủ chịu trách nhiệm về giáo dục cấp I, khu vực tư nhân được kêu gọi đầu tư cho giáo dục cấp II và III. Đặc biệt, chính nhờ sự đầu tư vũ bão của các tập đoàn Hàn Quốc cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đã tạo điều kiện cho kinh tế Hàn Quốc phát triển. Hiện nay, chính phủ chỉ chi 1/4 trên tổng số đầu tư cho R&D của nước này!
VN - "nhà cải cách tích cực"
VN có thể học tập kinh nghiệm nào từ các nước trên? Báo cáo của WB đánh giá kinh tế VN là một trong những nền kinh tế có thành tích tốt nhất trong số các nước đang phát triển. Một trong những chính sách quan trọng nhất, theo bảng đánh giá, là phi tập trung hóa điều hành kinh tế, giảm nhẹ số doanh nghiệp nhà nước và tăng doanh nghiệp khu vực tư nhân, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang định hướng thị trường với các cải cách nhằm làm khuôn khổ pháp lý minh bạch và phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, VN vẫn là nước đang phát triển có thu nhập thấp. Một tỉ lệ lớn (khoảng 57%) công việc vẫn nằm trong khu vực nông nghiệp, trong khi khu vực công nghiệp chỉ chiếm 17,4% và dịch vụ là 24,7%. Hơn thế nữa, phần đóng góp của tri thức vào phát triển kinh tế rất hạn chế. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu do lao động và vốn tạo nên.
Căn cứ trên bốn trụ cột kinh tế tri thức, báo cáo của WB cho thấy:
1. Giáo dục: Chỉ số giáo dục của VN giảm nhẹ từ 3,56 (1995) còn 3,50 trong năm 2006. Chỉ số này dưới mức bình quân của thế giới (4,35) và dưới bình quân của khu vực (5,26). So với châu Á - Thái Bình Dương, VN hầu như đứng thấp hơn ở tất cả khía cạnh: từ chất lượng quản lý các trường, đào tạo cán bộ và giáo dục trung học mặc dù số công nhân có tay nghề nhìn chung tăng 12,3% (1996) lên 27% (2005).
2. Sáng tạo: Không giống các nước tiên tiến, khu vực công đóng vai trò chính trong hệ thống sáng tạo của VN. Cho đến đầu thập niên 1990, công tác R&D chủ yếu thực hiện trong phạm vi các viện nghiên cứu và đại học, tách biệt khỏi các đối tác sáng tạo khác. Tình hình có cải thiện khi VN thực hiện kinh tế thị trường, với số viện nghiên cứu tăng đáng kể, từ 519 lên 1.120 (giai đoạn 1995 - 2005) và các viện nghiên cứu công được thay bằng việc gia tăng số viện nghiên cứu tư. Tuy nhiên dù số bài báo khoa học có tăng, nhưng đa số chúng được công bố trên các ấn bản VN hơn là quốc tế. Mặt khác, sự gia tăng con số nhà khoa học lại không dẫn tới nhiều phát minh như lẽ ra có thể.
3.ICT: Đây là chỉ số tăng mạnh nhất của VN trong bốn trụ cột của KTTT, tới 1,29 điểm, đạt 3,49 điểm (so sánh với điểm bình quân của thế giới là 6,0, Malaysia 7,30, Singapore 9,19). Tuy nhiên, vấn đề là lực lượng lao động IT của VN còn ít, chưa có kinh nghiệm. Trong 40 triệu công nhân VN, chỉ có 20.000 lao động trong lĩnh vực IT, trong khi chỉ 3.500-4.000 sinh viên tốt nghiệp với các bằng cấp IT hằng năm. Ngoài ra, khu vực ICT VN tiếp tục chậm phát triển nhất khu vực. Chỉ số ICT VN chỉ 3,49 so với 7,04 của châu Á - Thái Bình Dương.
4. Chế độ các định chế và kinh tế: VN xếp hạng thấp trên các tiêu chí về quản trị, nhất là về nạn tham nhũng, chất lượng (thực thi) luật pháp. "Tính hiệu quả của quản trị và sự cai trị của luật pháp thậm chí còn có vấn đề chứ không chỉ (bị xếp hạng) thấp", và "sự ổn định chính trị là chỉ dấu mạnh nhất" trong lĩnh vực này, báo cáo WBI nêu rõ.
Tổng kết, WB coi VN là một "nhà cải cách tích cực", minh họa việc một quốc gia thu nhập thấp có thể tiếp cận nền KTTT như thế nào. Theo đó, VN đã phát triển nhanh chóng bằng cách tận dụng toàn cầu hóa và đã thành công trong việc tìm kiếm, lĩnh hội và vận dụng kiến thức toàn cầu cho nhu cầu đất nước. "Tuy nhiên, đa số tăng trưởng này có được qua đầu tư hơn là qua sáng tạo, và nhiều chỉ số KTTT vẫn còn thấp so với trung bình cả ở mức khu vực lẫn thế giới. VN vẫn đứng trước nhiều thách thức trong xây dựng nền KTTT" - WB kết luận. Bài học thành công của các nền kinh tế châu Á có thể được tham khảo ở cách thay đổi và ứng biến linh hoạt trước các xu hướng mới của toàn cầu hóa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận