15/08/2020 10:14 GMT+7

Việt Nam nỗ lực tìm vắcxin COVID-19

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Theo thông cáo được Bộ Y tế phát đi tối 14-8, Việt Nam đã đặt mua vắcxin từ Nga và Anh, đây là một phần của nỗ lực có vắcxin tiêm chủng cho người dân.

Việt Nam nỗ lực tìm vắcxin COVID-19 - Ảnh 1.

Nghiên cứu vắcxin tại Viện Gamaleya của Nga - Ảnh: AFP

Trong thông cáo, Bộ Y tế cho biết quy trình thử nghiệm vắcxin trước khi đưa vào sử dụng ở Việt Nam đòi hỏi thời gian do phải tuân thủ các quy định chặt chẽ. 

"Đây là một thách thức lớn nhưng Bộ Y tế sẽ nỗ lực hết mình để có thể có vắcxin phục vụ phòng chống dịch sớm nhất" - thông cáo cho biết.

Mua ít nhất 50 triệu liều từ Nga

Trong phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ngày 14-8, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam có đặt mua vắcxin ngừa COVID-19 mà Nga mới công bố, với số lượng có thể lên tới hàng chục triệu liều. 

Theo thông tin Tuổi Trẻ có được, số lượng vắcxin hai bên đang bàn bạc là ít nhất 50 triệu liều, trong đó một phần được Nga tài trợ, một phần là Việt Nam mua.

Khi nào vắcxin được nhập khẩu về, giá bao nhiêu thì còn nhiều giai đoạn đàm phán, trao đổi.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia về vắcxin và y tế công cộng tỏ ra e ngại vì hiện các dữ liệu khoa học của vắcxin Nga chưa được công bố. 

Ông Nguyễn Ngô Quang - phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) - cũng cho rằng việc đặt mua vắcxin của Nga triển khai theo hình thức gối đầu và hi vọng của nhà sản xuất vắcxin có khả năng bảo vệ trong 24 tháng. 

Tuy nhiên phía Nga chưa đủ minh chứng, dữ liệu để công bố điều này, bởi muốn đảm bảo vắcxin có hiệu quả bảo vệ trong 24 tháng thì thời gian theo dõi phải 30 tháng.

Ông Quang nhấn mạnh rằng nếu vắcxin ngừa COVID-19 do Nga sản xuất được nhập khẩu về Việt Nam để sử dụng trong nước, các cơ quan quản lý, trong đó có Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo, sẽ tham gia rà soát, kiểm tra các dữ liệu đã có, đánh giá hiệu quả, tính an toàn trước khi nhập khẩu số lượng lớn và tiêm ngừa rộng rãi cho người dân, theo đúng nguyên tắc của cơ quan quản lý.

Thúc đẩy dây chuyền ở Việt Nam

Hiện có đến 4 nhà sản xuất Việt Nam tham gia tìm kiếm vắcxin ngừa COVID-19. Theo ông Nguyễn Ngô Quang, đã có hai nhà sản xuất là IVAC và Nanogen gửi mẫu sang Mỹ để đánh giá chủng. 

Dự kiến trong tháng 8 này, đại diện Bộ Y tế sẽ cử đoàn đến hai đơn vị này để đánh giá dây chuyền công nghệ và hồ sơ liên quan đến chủng, đến tháng 10 hoàn tất hồ sơ giai đoạn tiền lâm sàng, chuyển sang thử nghiệm trên người.

Ông Quang cũng cho hay do đang trong giai đoạn đại dịch, các thiết kế nghiên cứu vắcxin đều theo hình thức gối đầu, cụ thể nếu đánh giá lâm sàng giai đoạn 1 đạt yêu cầu về an toàn sẽ chuyển sang giai đoạn 2 luôn, không chờ toàn bộ thời gian như thông thường. 

Giai đoạn 2 đánh giá về hiệu quả vắcxin, nếu sau 6 tháng đánh giá hiệu quả và đạt yêu cầu sẽ chuyển sang tiếp giai đoạn 3.

"Đây không phải là cắt bớt mà là gối đầu, vì vắcxin bao giờ cũng phải đảm bảo về độ an toàn bởi sử dụng cho cộng đồng lớn, nhưng trong dịch COVID-19 hiện nay, các nghiên cứu của quốc tế cũng đang triển khai theo hình thức này để đáp ứng 'tình trạng khẩn cấp', không như các nghiên cứu thông thường. 

Dự kiến tháng 10-2021 sẽ có vắcxin ngừa COVID-19 do Việt Nam sản xuất" - ông Quang nêu dự báo.

Hợp tác với Anh nghiên cứu vắcxin

ukambassador vaccine 7(read-only)

Đại sứ Gareth Ward phát biểu tại hội nghị triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vắcxin COVID-19 tại Việt Nam, tổ chức ngày 22-7 ở Hà Nội - Ảnh: ĐSQ Anh

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 14-8, đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho biết từ đầu tháng 2-2020, Công ty TNHH một thành viên Vắcxin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH thuộc Bộ Y tế), đơn vị đi đầu trong phát triển vắcxin COVID-19 hiện nay tại Việt Nam, đã thực hiện những công đoạn nghiên cứu ban đầu tại Đại học Bristol (Anh) và tiếp tục hoàn thiện sản phẩm nhờ công nghệ chuyển giao từ đại học này.

"Những kết quả sớm từ thử nghiệm trên động vật cho thấy vắcxin này có khả năng bảo vệ trước COVID-19. Do đó, những thử nghiệm lâm sàng được kỳ vọng tiến hành vào đầu năm 2021" - đại sứ Ward thông tin.

Bên cạnh đó, đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford, có trụ sở tại Hà Nội và TP.HCM, đang dẫn đầu thế giới trong các nghiên cứu dịch tễ học liên quan đến đại dịch COVID-19.

Đơn vị này hiện đang hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam nhằm chuẩn bị và thực hiện các thử nghiệm lâm sàng cho vắcxin cũng như hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu trong xác định các thuốc hiệu quả và an toàn để chữa trị cho bệnh nhân COVID-19.

"Anh cam kết đồng hành với Việt Nam trong nhiều dự án khác nhau để hỗ trợ hồi phục hậu COVID-19 và phòng chống các bệnh truyền nhiễm" - đại sứ của Anh cam kết.

Ông đồng thời kêu gọi các nhà khoa học Việt Nam có hứng thú nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến đại dịch COVID-19 đăng ký cho các gói hỗ trợ học thuật của Viện Nghiên cứu sức khỏe quốc gia Anh trong khuôn khổ Lộ trình nghiên cứu COVID-19 toàn cầu khởi xướng bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Ngoài các hợp tác công nghệ, Việt Nam và Anh đang đẩy nhanh các cải tiến thủ tục hành chính để đưa vắcxin COVID-19 ra thị trường trong thời gian sớm nhất và đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận vắcxin này.

"Là nhà tài trợ lớn nhất của Liên minh Vắcxin và miễn dịch toàn cầu (GAVI) và Liên minh Đổi mới phòng chống dịch bệnh (CEPI), Chính phủ Anh bắt tay với Việt Nam và các đối tác nhằm đảm bảo một khi vắcxin COVID-19 được phát triển, tất cả các nước, bất kể giàu nghèo đều được tiếp cận vắcxin này một cách bình đẳng" - đại sứ chia sẻ.

KHOA THƯ

Mỹ từ chối đề nghị hợp tác làm vắcxin ngừa COVID-19 của Nga Mỹ từ chối đề nghị hợp tác làm vắcxin ngừa COVID-19 của Nga

TTO - Các quan chức Nga tại Matxcơva nói với Đài CNN (Mỹ) rằng họ đã đề nghị "sự hợp tác chưa từng có tiền lệ" trong điều trị, phòng ngừa COVID-19 với Mỹ nhưng Washington từ chối.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp