01/12/2021 00:10 GMT+7

Việt Nam - Nga ra tuyên bố chung tầm nhìn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đến 2030

VIỄN SỰ (Từ Matxcơva, Liên bang Nga)
VIỄN SỰ (Từ Matxcơva, Liên bang Nga)

TTO - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin ra Tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Liên bang Nga đến năm 2030 trong cuộc hội đàm chiều 30-11.

Việt Nam - Nga ra tuyên bố chung tầm nhìn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đến 2030 - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin thống nhất củng cố và nâng cao hiệu quả quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là ưu tiên đối ngoại của Việt Nam và Nga, đáp ứng lợi ích lâu dài của hai quốc gia, góp phần vào sự nghiệp phát triển của mỗi nước và nâng cao vai trò của hai quốc gia tại khu vực và trên thế giới - Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO

Việt Nam và Nga ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông năm 2002 và hoan nghênh các nỗ lực sớm thông qua Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Từ kết quả hội đàm ngày 30-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định cùng nhau quyết tâm tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga đến năm 2030.

Hợp tác chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực

Việt Nam và Nga ủng hộ hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và thế giới, tính đến lợi ích của nhau trong hợp tác song phương và trong khuôn khổ các tổ chức khu vực và quốc tế. Không liên minh hoặc thỏa thuận với bên thứ ba làm phương hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của nhau.

Việc phát triển quan hệ hai nước không nhằm chống lại bên thứ ba khác. Quyết tâm hợp tác chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực trong cả khuôn khổ song phương và đa phương. Tiếp tục phát triển đối thoại chính trị sâu rộng và thực chất ở cấp cao và cao nhất.

Đồng thời coi việc củng cố tin cậy chiến lược là nền tảng cho việc mở rộng và tăng cường hơn nữa hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thiện hoạt động của các cơ chế hợp tác chung.

Trường hợp cần thiết sẽ thiết lập các hình thức hợp tác mới nhằm tạo động lực và đột phá thực chất trong quan hệ song phương. Theo đó, quyết tâm triển khai các nhiệm vụ như duy trì thường xuyên trao đổi đoàn ở cấp cao và cấp cao nhất, gặp gỡ trong khuôn khổ các diễn đàn quốc tế, các tiếp xúc khác.

Đẩy mạnh các hình thức hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với các viện Quốc hội Nga, trong đó có việc đôn đốc triển khai các thỏa thuận đã đạt được. Tiếp tục phối hợp hành động tại các diễn đàn nghị viện quốc tế và khu vực.

Duy trì tiếp xúc sâu rộng trên các kênh đảng, chính phủ, bộ, ngành, địa phương và tổ chức xã hội, khuyến khích mở rộng giao lưu thanh niên. Thúc đẩy hoạt động và vai trò điều phối của Ủy ban liên chính phủ hai nước về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, bao gồm trong triển khai các thỏa thuận cấp cao.

Nâng cao hiệu quả đối thoại giữa Bộ Công an Việt Nam và Văn phòng Hội đồng An ninh Liên bang Nga về các vấn đề chiến lược quan trọng, cũng như đối thoại chiến lược ngoại giao, quốc phòng, an ninh ở cấp thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao với sự tham gia của các cơ quan liên quan.

Hai nước sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Hội đồng An ninh Liên bang Nga, cũng như giữa các cơ quan an ninh và bảo vệ pháp luật khác của hai nước.

Tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện trong lĩnh vực an ninh thông tin quốc tế phù hợp với luật pháp quốc tế và tinh thần các tuyên bố cũng như hiệp định đã ký trước đây trong lĩnh vực bảo đảm an ninh thông tin quốc tế.

Hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng

Việt Nam - Nga coi hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, sẽ nỗ lực mở rộng hơn nữa hợp tác trên cơ sở cùng có lợi, quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những vấn đề phát sinh trong quá trình hợp tác.

Hai bên khẳng định sẵn sàng triển khai nâng cao hiệu quả triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu và các nước thành viên theo hướng tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa bên cạnh những ưu đãi đã có trong hiệp định.

Khuyến khích đầu tư song phương trên các lĩnh vực truyền thống và mới, như năng lượng điện, bao gồm điện tái tạo, công nghiệp, khai khoáng, công nghệ cao... Hỗ trợ nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của tổ công tác cấp cao Việt - Nga về các dự án đầu tư ưu tiên.

Tăng cường hợp tác trên lĩnh vực năng lượng và dầu khí, và hỗ trợ mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực triển vọng như xây dựng nhà máy điện khí, cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng cho Việt Nam và xây dựng hạ tầng phù hợp, phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất nhiên liệu động cơ, cũng như hiện đại hóa các cơ sở năng lượng.

Ủng hộ triển khai các dự án hiện có hoặc mới với sự tham gia của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và các công ty Zarubezhneft, Gazprom, Novatek và Rosatom cũng như các công ty khác, bao gồm đối với các dự án điện sử dụng khí hóa lỏng tại Việt Nam.

Tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hoạt động của doanh nghiệp dầu khí Việt Nam tại Nga và doanh nghiệp dầu khí Nga tại thềm lục địa Việt Nam, cũng như triển khai các dự án chung tại các nước thứ ba.

Tăng cường hợp tác công nghiệp, nông, lâm nghiệp và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực tài chính - tín dụng. Tiếp tục hợp tác xây dựng chính phủ điện tử với trọng tâm bảo đảm an toàn an ninh mạng, tính đến tính chất tin cậy của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga.

Khuyến khích hợp tác trực tiếp giữa các tỉnh, thành của Việt Nam với các chủ thể của Nga, bao gồm hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và vùng Siberia và Viễn Đông của Nga.

Ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình

Việt Nam và Nga khẳng định tính phổ quát và thống nhất của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương và có vai trò nền tảng cho hợp tác của các quốc gia, khu vực và quốc tế, nhấn mạnh cần duy trì tính toàn vẹn của công ước.

Hai bên cho rằng cần tăng cường các nỗ lực chung của khu vực nhằm xây dựng tại châu Á - Thái Bình Dương cấu trúc an ninh và hợp tác bình đẳng và không chia tách, mang tính toàn diện, mở và minh bạch. Các bên phản đối việc chia rẽ quan hệ hợp tác giữa các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, tác động tiêu cực đến việc mở rộng và tăng cường đối thoại chung của khu vực.

Hai nước sẽ phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không và các hoạt động thương mại không bị cản trở.

Ủng hộ kiềm chế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp giữa các bên liên quan bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc và chuẩn mực chung của luật pháp quốc tế.

Trong đó bao gồm những nguyên tắc trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, cũng như theo các tiêu chuẩn và thực tiễn được khuyến nghị của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).

Chủ tịch nước hội đàm với Tổng thống Putin: Mở rộng hoạt động doanh nghiệp dầu khí Chủ tịch nước hội đàm với Tổng thống Putin: Mở rộng hoạt động doanh nghiệp dầu khí

TTO - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhất trí năng lượng và dầu khí tiếp tục là một trong những trụ cột chính của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước.

VIỄN SỰ (Từ Matxcơva, Liên bang Nga)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp