Sinh viên Nguyễn Hoàng Phương Thảo (ngành sư phạm lý Trường ĐH Sài Gòn) thực tập dạy môn lý cho học sinh lớp 10A8 Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Theo các chuyên gia, hiện có hai mô hình đào tạo giáo viên: song song và tiếp nối. Song song là đào tạo cùng lúc kiến thức khoa học và kỹ năng sư phạm. Còn tiếp nối là yêu cầu giáo sinh phải hoàn thành chương trình đào tạo các môn khoa học, rồi mới tham gia chương trình đào tạo về sư phạm.
VN đang đào tạo giáo viên theo mô hình song song. Những nước có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Pháp, Nhật... đào tạo giáo viên theo mô hình tiếp nối.
5 năm, 2 giai đoạn
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc đào tạo giáo viên ở VN tập trung quá nhiều vào kiến thức chuyên môn. Còn khối kiến thức kỹ năng nghề nghiệp và giáo dục chung lại rất ít. Trong khi đó, chưa có chuẩn chung về kiến thức khoa học và nghiệp vụ lại là nguyên nhân giáo viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Bà Nguyễn Thị Hà - Trường ĐH Hà Tĩnh - cho rằng trong chương trình đào tạo sư phạm hiện nay, thời lượng dành cho việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp rất khiêm tốn. Phần nghiệp vụ sư phạm cho chuyên ngành chỉ 8-15 tín chỉ, chiếm khoảng 6-15% tổng số tín chỉ phải tích lũy.
Theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chương trình đào tạo giáo viên ở VN trong vài năm gần đây dù đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển giáo dục. Thời gian đào tạo nghề nghiệp thấp so với các quốc gia có nền giáo dục phát triển.
Ông Hồng đề xuất cần xem xét thay đổi cách thức và thời gian đào tạo giáo viên ở VN, theo hướng tiếp cận xu hướng đào tạo giáo viên ở các nước phát triển.
"Cần nâng thời gian đào tạo lên 5 năm, chia hai giai đoạn. Giai đoạn 1 đào tạo cử nhân khoa học trong ba năm. Giai đoạn 2 đào tạo thạc sĩ giáo dục trong các khoa, trung tâm đào tạo giáo viên các trường ĐH.
Khung giáo dục quốc dân mới quy định thời gian đào tạo ĐH 3-5 năm, thạc sĩ 1-2 năm. Đây là cơ hội cho ngành giáo dục, nếu muốn sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục" - ông Hồng nhấn mạnh.
4 năm quá ngắn
Cùng quan điểm này, TS Vũ Thị Thu Hoài - Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) - cho rằng ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, giáo viên được tuyển chọn từ những sinh viên tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ có kết quả tốt và phải thi tuyển gắt gao.
Còn tại VN, việc tuyển chọn giáo viên có chất lượng đầu vào chưa cao, quy định chưa khắt khe. Thời gian đào tạo bốn năm là quá ngắn, trong khi sinh viên phải học cả kiến thức khoa học giáo dục, thực tế, thực tập sư phạm. Đó là chưa kể mô hình đào tạo cũ kỹ, chương trình đào tạo nặng lý thuyết, thiếu thực tiễn.
"Tăng thời gian đào tạo giáo viên lên 5 năm là phù hợp, chia làm hai giai đoạn đào tạo. Sáu học kỳ đầu đào tạo khoa học cơ bản. Sau đó cho sinh viên đăng ký vào các ngành đào tạo giáo viên. Nếu trúng tuyển sẽ học bốn học kỳ về các môn khoa học giáo dục, thực tập giảng dạy. Tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân sư phạm.
Sinh viên không trúng tuyển có thể học tiếp hai học kỳ để lấy bằng cử nhân khoa học. Bên cạnh đó, cần chuyển đổi các trường sư phạm thành các trường đa lĩnh vực. Trong đó có đào tạo giáo viên và xây dựng chuẩn giáo viên thống nhất" - bà Hoài đề xuất.
TS Phạm Thị Lan Phượng - Viện nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho rằng kiểu tổ chức trường sư phạm độc lập hiện khác với xu hướng hiện hành ở các nước Mỹ, Nhật, Pháp... Do đó, chất lượng sinh viên sư phạm chưa đáp ứng được mong đợi của trường phổ thông.
"Cách tổ chức của chúng ta khác, nhưng có thể học tập các nước việc quy định chuẩn năng lực giáo viên. Nhà nước có thể tổ chức kỳ thi chuẩn hóa cấp chứng chỉ dạy học, tránh các hiện tượng tiêu cực trong tuyển dụng giáo viên..." - bà Phượng kiến nghị.
Đào tạo giáo viên theo mô hình 3+1
Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) là trường ĐH đào tạo sư phạm đầu tiên áp dụng mô hình này. Giai đoạn 2006-2012, sinh viên của trường được Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐHQG Hà Nội) quản lý đào tạo khối kiến thức khoa học cơ bản trong ba năm đầu.
Năm cuối sinh viên chuyển về Trường ĐH Giáo dục học phần kiến thức đặc thù, khoa học giáo dục, khoa học sư phạm, thực hành, thực tập. Giai đoạn 2012 đến nay có một số thay đổi nhỏ về cách quản lý đào tạo, nhưng chương trình và nội dung đào tạo vẫn thực hiện theo mô hình 3+1.
Đào tạo sư phạm giữa Việt Nam và các nước
* Việt Nam: Tốt nghiệp THPT, thi vào trường sư phạm. Thời gian đào tạo 4 năm, với 130 tín chỉ (thực tế, thực tập tại trường phổ thông khoảng 10 tín chỉ). Sinh viên tốt nghiệp đi dạy ngay.
* Mỹ: Số tín chỉ kiến thức giáo dục chung, kiến thức nền và nghiệp vụ sư phạm chiếm tỉ lệ lớn. Đào tạo sư phạm toán của ĐH Illinois: kiến thức chuyên ngành chiếm 1/4; phần chứng chỉ hành nghề, kiến thức đại cương và giáo dục chung chiếm 3/4 số tín chỉ. Ở ĐH Houston, để trở thành giáo viên, ngoài bằng cử nhân toán phải có 800 tiết thực hành ở trường phổ thông.
* Pháp: Tất cả giáo viên đều được đào tạo tại trường cao cấp đào tạo cán bộ giảng dạy và giáo dục ở các ĐH. Khi có bằng cử nhân, muốn làm giáo viên phải đăng ký học chuyên ngành sư phạm tại các trường này (cấp bằng thạc sĩ).
* Singapore: Muốn theo nghề giáo phải tham gia kỳ thi tuyển khắt khe, với khoảng 10% trúng tuyển. Đào tạo tích hợp kiến thức chuyên môn gắn liền với năng lực sư phạm.
* Nhật: Để trở thành giáo viên phải hoàn thành chương trình giáo dục ĐH ở trường ĐH đa ngành. Tiếp theo được đào tạo chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Sau đó phải trải qua kỳ thi lấy chứng chỉ dạy học do hội đồng giáo dục tỉnh, thành phố tổ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận