Một tàu của cảnh sát biển Trung Quốc (màu trắng) hoạt động ở gần tàu của Việt Nam trên Biển Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 210km - Ảnh: REUTERS
Năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Theo bản tin Reuters phát ngày 17-12, phát biểu tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nói: "Tôi hi vọng trong thời gian chúng tôi giữ cương vị chủ tịch (ASEAN), Trung Quốc sẽ thể hiện sự kiềm chế và dừng các hoạt động này".
"Các hoạt động này" trong phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng là những hoạt động Bộ Ngoại giao Việt Nam từng lên tiếng phản đối mạnh mẽ trong năm nay, khi nhóm tàu thăm dò dầu khí của Trung Quốc đã xâm phạm suốt nhiều tháng trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối mạnh mẽ hành động xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam của tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc.
Cuối tháng 10 năm nay, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc mới rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau hơn 3 tháng hoạt động trái phép tại đây.
Ngang ngược hơn, Trung Quốc vẫn tuyên bố tàu này đã tiến hành cuộc thăm dò khoa học trong cái họ gọi là vùng biển thuộc kiểm soát của Trung Quốc, bất chấp thực tế đây là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã được công nhận theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
"Những việc Trung Quốc đã làm là rất đáng lo ngại, cũng là kiểu đe dọa không chỉ Việt Nam mà cả các nước khác cũng thấy trước nguy cơ bị đe dọa trong tương lai", ông Dũng nói.
Tuyên bố chủ quyền ngang ngược và vô lý có tên là "đường chín đoạn" (đường lưỡi bò) của Trung Quốc tại Biển Đông là nguyên nhân cốt lõi gây ra những xung đột giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN, cũng như với Mỹ.
Vị quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng không phải các nước ASEAN khác ủng hộ hành động của Trung Quốc, tuy nhiên họ đã không phản đối theo cách tương tự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận