Thí sinh thi vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM - Ảnh tư liệu |
Thư gửi một bạn trẻ Pháp
Việt Nam, … năm 2035
Nathalie mến,
Chúc mừng bạn đã quyết định học đại học tại Việt Nam - một trong mười nước có hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới theo đánh giá của UNESCO!
Về thủ tục, bạn chỉ cần ghi danh trực tuyến tại website của trường đại học và đóng lệ phí ghi danh bằng thẻ tín dụng. Lệ phí này gồm bảo hiểm y tế và bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Ngoài ra, bạn không phải đóng học phí hay bất kỳ khoản nào khác trong suốt năm học nếu bạn chọn trường công.
Bạn phải ghi danh lại vào đầu năm học kế tiếp cho đến khi tốt nghiệp. Vài ngày sau khi ghi danh, trường sẽ gửi thẻ sinh viên đến địa chỉ của bạn.
Với thẻ này, bạn được đọc và mượn sách của thư viện liên trường; sử dụng các nhạc cụ, dụng cụ thể thao, phòng tập và sân vận động của trường; được giảm giá tại nhà ăn sinh viên, khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, khi mua sách và văn hóa phẩm trên toàn quốc.
Về chỗ ở, nếu không thể tự lo liệu, bạn có thể chọn cư xá sinh viên quốc tế hoặc một gia đình do trường giới thiệu.
Tọa lạc gần trạm xe buýt và xe điện ngầm, cư xá sinh viên quốc tế là một thành phố thu nhỏ với đầy đủ dịch vụ ăn uống, mua sắm, giải trí, y tế và gần 100 tòa nhà, tương ứng số quốc gia có sinh viên du học tại Việt Nam. Mỗi tòa nhà là nơi ở của sinh viên một nước với phong cách kiến trúc điển hình của nước đó. Ở đây bạn vừa như đang sống tại tổ quốc, vừa đắm mình trong môi trường đa văn hóa.
Bạn cũng có thể chọn một trong những gia đình do trường giới thiệu. Đó là những gia đình hiếu khách, đã nhiều năm tiếp nhận sinh viên nước ngoài.
Với phí tổn không cao hơn ở cư xá, bạn sẽ trải nghiệm cuộc sống của một gia đình Việt, đặc biệt là tiếng nói giàu nhạc điệu và nghệ thuật ẩm thực tinh tế.
Ngoài các học phần chuyên ngành bắt buộc, bạn được tự chọn các học phần về liên ngành và hội nhập xã hội. Dựa vào chương trình đào tạo và lịch dạy của từng giảng viên công bố vào đầu quý trên website của trường, bạn có thể chọn giảng viên cho từng học phần, phù hợp với thời gian biểu của mình.
Tất cả giảng viên đều giỏi chuyên môn và ngoại ngữ. Nếu cần giúp đỡ về học thuật nhưng gặp khó khăn với tiếng Việt, bạn luôn tìm được bạn bè hoặc giảng viên biết tiếng Pháp. Giáo trình, tài liệu tham khảo bằng tiếng Pháp hoặc ngoại ngữ khác cũng có nhiều ở thư viện.
Bạn hỏi vì sao Việt Nam đạt được những thành tựu như vậy ư? Đó là một câu chuyện dài mà thư này sẽ cố gắng nêu những nét chính.
Trước hết, kinh phí giáo dục đến từ hai nguồn thường xuyên là nhà nước và doanh nghiệp. Nhà nước dành cho giáo dục một ngân sách thích hợp và miễn giảm thuế đối với các doanh nghiệp đóng góp cho giáo dục. Doanh nghiệp đặt hàng và tài trợ cho nhà trường nghiên cứu khoa học; mua bản quyền phát minh, sáng chế của nhà trường; tiếp nhận học sinh, sinh viên đến tham quan, thực tập; giảm giá sản phẩm, dịch vụ cho học sinh, sinh viên, nhà giáo, cán bộ và nhân viên giáo dục.
Chương trình học được xây dựng một cách khoa học, nhất quán và gắn kết giữa các môn, lớp và bậc học. Từ chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, giáo trình khác nhau được biên soạn. Sách giáo khoa, giáo trình không chỉ ghi nội dung cần dạy và học mà còn giảng giải những chỗ khó.
Phụ huynh có thể đọc sách giáo khoa để hướng dẫn con em ở nhà. Sinh viên có thể đọc giáo trình để tự học. Giáo viên, giảng viên quyết định sẽ dùng sách, giáo trình nào và tự do phân bố thời gian giảng dạy phù hợp với kiến thức và đối tượng người học trong quỹ thời gian cho phép mà không bị ràng buộc như trước kia.
Các cơ sở đào tạo thừa hưởng thành quả của giáo dục phổ thông trong nước và thu hút nhiều sinh viên nước ngoài. Việc phát triển trường nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp và định hướng học sinh vào các trường này được đặc biệt coi trọng. Trừ một số trường tổ chức thi tuyển, các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh bằng hình thức ghi danh đối với người có bằng tú tài. Thời gian đào tạo của phần lớn trường đại học, cao đẳng là ba năm như ở châu Âu và châu Mỹ.
Các cơ sở đào tạo giáo viên phổ thông chỉ tuyển người đã có bằng cử nhân để đào tạo thêm hai năm về nghiệp vụ sư phạm. Chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên ba nguyên tắc: xen kẽ giữa lý thuyết và thực hành; mở và động: có tính đến sự phức tạp của thực tiễn giáo dục, sự tiến triển của hệ thống giáo dục quốc gia, quốc tế và bối cảnh toàn cầu hóa; cá nhân hóa theo nhu cầu của từng học viên.
Các trường đại học, cao đẳng giữ lại sinh viên tốt nghiệp loại giỏi để đào tạo sau đại học thành giảng viên.
Lương và phụ cấp của giáo viên, giảng viên được tính theo trình độ đào tạo, thâm niên và kết quả làm việc, đảm bảo cho họ một cuộc sống khả quan để toàn tâm giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Quản lý giáo dục là một nghề, có ngạch lương riêng. Cán bộ quản lý giáo dục được sơ tuyển, đào tạo ban đầu trước khi bổ nhiệm và bồi dưỡng định kỳ sau khi bổ nhiệm.
Albert Einstein (1879-1955) viết: “Mọi người đều là thiên tài. Nhưng nếu ta đánh giá một con cá dựa vào khả năng leo cây của nó, ta sẽ suốt đời tin rằng con cá ấy ngu ngốc”. Từ chỗ chỉ coi trọng khả năng ghi nhớ và tái hiện thông tin, việc đánh giá người học chuyển sang khuyến khích năng lực tìm kiếm, lựa chọn, tổng hợp thông tin và vận dụng kiến thức để giải quyết tình huống. Ngoài bài kiểm tra viết “truyền thống”, còn có nhiều hình thức khác để đánh giá người học.
Bù lại, học viên các hệ ngoài chính quy của giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và đại học đều học cùng chương trình và thi tốt nghiệp chung với hệ chính quy nên không có sự chênh lệch về chất lượng giữa các hệ đào tạo. Cụm từ “hệ đào tạo” chỉ còn dùng trong văn bản hành chính để chỉ “hình thức đào tạo” mà không còn xuất hiện trên bằng tốt nghiệp của người học.
“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!” (Chế Lan Viên, Tiếng hát con tàu). Thiết kế trường học, cư xá học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên không còn đơn điệu mà vừa tiện nghi, vừa nghệ thuật, vừa là môi trường giao thoa văn hóa.
Hiện đại hóa phương tiện dạy học đi đôi với đổi mới phương pháp dạy học, vốn được quan niệm là khuyến khích một cách có hệ thống để người học đi đến những “phát minh” của chính họ. Theo nghĩa này, người dạy cố gắng tạo ra những tình huống có vấn đề mà người học thấy hứng thú giải quyết và quá trình giải quyết này giúp người học nắm bắt được kiến thức mới hoặc ý nghĩa mới của kiến thức cũ.
Hai trăm năm trước, Auguste Comte (1798-1857) viết: “Mọi nền giáo dục nhân bản đều phải chuẩn bị cho mỗi người biết sống vì người khác, hầu sống lại trong người khác”. Ngày nay, chúng ta đang phát triển nền kinh tế tri thức dựa vào việc sản sinh, truyền bá, sử dụng tri thức và thông tin. Liệu điều này có khiến nhà trường chỉ tập trung cung cấp kiến thức cho người học?
Bạn sẽ có dịp trực tiếp kiểm chứng câu trả lời của giáo dục Việt Nam vào năm học tới: đào tạo những con người có đạo đức, có tri thức bằng cách phát huy năng lực bẩm sinh của họ thay vì áp đặt một khuôn mẫu cứng nhắc.
Chúc bạn khỏe và hẹn gặp lại tại Việt Nam!
Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (VN) tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của VN, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người VN trong 20 năm tới. Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15-30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi). Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện hai nội dung: Những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ). Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi. Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất. Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online. Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút. Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm 5 tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và 5 tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi). Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo). Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có 5 giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có: - 1 giải nhất: 25.000.000 đồng - 1 giải nhì: 15.000.000 đồng - 1 giải ba: 10.000.000 đồng - 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5 đến 28-6-2015. Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận