Ngư dân Việt Nam đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống ở quần đảo Hoàng Sa - Ảnh: Tư liệu TUỔI TRẺ
Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết trong suốt thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng Việt Nam đã duy trì trao đổi chặt chẽ với phía EU, cung cấp đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của EU nhằm sớm để EU rút thẻ vàng đối với thủy, hải sản của Việt Nam.
"Phía EU ghi nhận các nỗ lực của Việt Nam," bà Hằng nhấn mạnh.
Trước đó, tại một hội nghị ở TP.HCM ngày 25-9, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU sau khi bị thẻ vàng gặp nhiều khó khăn.
Theo đại diện VASEP, trong 8 tháng đầu năm xuất khẩu hải sản chỉ đạt 252 triệu USD giảm 25% so với cùng kỳ năm 2017, xuất khẩu có chiều hướng giảm sâu, giảm liên tục trong năm 2018.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bruno Angelet - Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam - cho biết kể từ khi EU phạt thẻ vàng với thủy hải sản Việt Nam (từ tháng 10-2017) do vi phạm các nguyên tắc đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (gọi tắt là IUU), Việt Nam đã có một số tiến bộ nhất định nhưng vẫn hiệu quả hay không thì vẫn chưa rõ.
Vấn đề đánh bắt cá trái phép ở Việt Nam vẫn còn rất phức tạp và vẫn còn quá sớm để nhìn thấy được kết quả ở cấp địa phương.
Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angelet
Theo Đại sứ Bruno, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Thủy sản cũng như ban hành kế hoạch hành động để thực hiện Luật Thủy sản và yêu cầu 63 tỉnh thành tập trung giải quyết việc đánh bắt cá trái phép.
Đại sứ Bruno cho biết các chuyên gia từ Brussels, những người đã có rất nhiều kinh nghiệm trong vấn đề tương tự ở Thái Lan, Philippines hay Chile, đã đến thăm các cảng cá tại Tiền Giang, Bình Định và Cà Mau và hỏi ngư dân một loạt câu hỏi như họ thường đi đến đâu đến đánh bắt, có bật bộ định vị lên không hay có ghi chép lại những gì đánh bắt được không.
"Chúng tôi nhận ra rằng các ngư dân không hề làm bất cứ điều gì trong số đó cả. Đó là lí do mà theo tôi, Việt Nam đang đi đúng hướng nhưng vẫn chưa đủ để rút ra thẻ xanh (PV - bỏ thẻ vàng) cho Việt Nam," Đại sứ Bruno cho biết.
Trước đó, như Tuổi Trẻ đã thông tin, Việt Nam bị EU cảnh báo thẻ vàng với hải sản xuất khẩu từ tháng 10-2017 do vi phạm IUU. Tháng 5 vừa qua, một phái đoàn của EU đã đến VN để đánh giá việc khắc phục sau nửa năm EU cảnh báo thẻ vàng với hải sản xuất khẩu từ VN.
Tuy nhiên sau đợt đánh giá này, EU quyết định tiếp tục cảnh báo thẻ vàng đến tháng 1-2019 và sẽ tiếp tục đánh giá sau tháng 1-2019 để có quyết định rút thẻ vàng hay tiếp tục cảnh báo với hải sản xuất khẩu từ Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận