Trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã có những tiến bộ ấn tượng về phát triển kinh tế, điều kiện sống của người dân đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, đến hết năm 2015 mới chỉ có 65% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, vẫn còn hơn 5 triệu người phóng uế bừa bãi ra môi trường nhất là tại các khu vực miền núi. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, việc sử dụng cầu tiêu ao cá mất vệ sinh vẫn còn phổ biến.
Ông Friday Nwaigwe - Trưởng Chương trình vì sự sống còn và phát triển trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) chỉ rõ: “Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện điều kiện vệ sinh trong hơn một thập kỷ qua. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà vệ sinh tăng từ 36% năm 1990 lên 78% năm 2015. Tuy nhiên, tình trạng người dân phóng uế bừa bãi vẫn còn nhiều. Điều kiện vệ sinh kém đã dẫn đến tỷ lệ cao người mắc bệnh tiêu chảy, viêm phổi và các bệnh giun sán. 1/3 trường hợp trẻ tử vong ở trẻ em Việt Nam liên quan đến suy dinh dưỡng, và điều này có liên quan mật thiết đến bệnh tiêu chảy và giun sán”.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu nhà vệ sinh hiện nay là do nhận thức của người dân về sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn thấp. Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo chưa thật sự quan tâm đến việc xây dựng và bảo quản nhà vệ sinh tại các cơ quan, trường học, bệnh viện... khiến cho các công trình vệ sinh bị xuống cấp, hư hỏng, trở thành mất vệ sinh.
Chương trình Nghị sự về các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đã xác định vệ sinh và nước sạch là mục tiêu quan trọng số 6 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết với cộng đồng quốc tế đến năm 2025 sẽ chấm dứt việc phóng uế bừa bãi và năm 2030 sẽ có 100% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận