Một tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông - Ảnh: REUTERS
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc ngày 22-1 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật cảnh sát biển nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
"Trong việc ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc gia liên quan đến biển, các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó".
Theo người phát ngôn Thu Hằng, Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, đồng thời không có hành động làm gia tăng căng thẳng, tích cực đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển và an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông.
Trước đó vào ngày 22-1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký lệnh ban hành Luật hải cảnh mới. Luật này cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ khí cầm tay, vũ khí trên tàu và trên không đối với tàu nước ngoài.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số chuyên gia đánh giá rằng luật mới này có tính chất biểu tượng, vì Trung Quốc vốn dĩ không tôn trọng luật pháp quốc tế.
Họ cũng nhấn mạnh rằng luật mới chắc chắn chỉ tạo điều kiện để xung đột, bạo lực gia tăng.
TS Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak Institute, Singapore), nói với Tuổi Trẻ:
"Việc trao cho lực lượng hải cảnh quyền được sử dụng vũ lực trong nhiều trường hợp hơn đi kèm với mức độ bạo lực cao hơn chắc chắn sẽ tiềm ẩn rủi ro gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, thậm chí có thể dẫn tới xung đột vũ trang. Trước mắt, luật này giúp Trung Quốc răn đe các bên tranh chấp khác và tạo cơ sở pháp lý cho các hành vi ngang ngược hơn của Trung Quốc trên các vùng biển mà họ yêu sách và là cái cớ Trung Quốc có thể dùng để biện minh cho các hành vi vũ lực của mình".
Một số học giả khác trong khi đó khẳng định với luật mới này, Bắc Kinh tiếp tục lập lờ về phạm vi bao phủ, tính chất của những trường hợp cần dùng vũ lực, qua đó thể hiện thái độ không tôn trọng luật pháp quốc tế và củng cố tham vọng chiếm trọn Biển Đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận