07/11/2019 10:04 GMT+7

Việt Nam kiện thì sẽ thắng

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Trong bối cảnh Trung Quốc khai thác lỗ hổng trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, luật pháp quốc tế vẫn đứng về phía Việt Nam.

Việt Nam kiện thì sẽ thắng - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu dẫn đề tại hội thảo ngày 6-11 - Ảnh: NHẬT ĐĂNG

Đó là nhìn nhận của nhiều học giả trong nước và quốc tế góp mặt tại Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 11: "Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực", tổ chức ngày 6-11 ở Hà Nội.

Hội thảo lần này, do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam và Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông tổ chức, diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng. Trong vài tháng qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc liên tục vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam. Bắc Kinh cũng bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì quân sự hóa các thực thể tại Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Hợp tác và thúc đẩy hợp tác trên Biển Đông không chỉ là lợi ích và trách nhiệm của các quốc gia trong khu vực, mà còn là lợi ích và trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế.

Ông Lê Hoài Trung (thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia)

Lỗ hổng của UNCLOS

Sự ra đời của UNCLOS được xem là lúc thế giới có một "hiến chương trên biển", vì đó là khuôn khổ pháp lý toàn diện để giải quyết tranh chấp, thiết lập trật tự trên biển. Tuy vậy, UNCLOS vẫn có những lỗ hổng bị Trung Quốc đang khai thác. GS.TS James Kraska tại Trung tâm luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ) cho rằng vấn đề với Trung Quốc và UNCLOS là không ai có thể bàn thảo xác đáng với Trung Quốc về UNCLOS.

"Trung Quốc sẽ luôn cho rằng họ có thể làm mọi thứ không bị luật pháp quốc tế cấm đoán. Điều này thường đúng, ngoại trừ một lỗ hổng là quy định đối với các quốc gia về việc có thể ra tuyên bố chủ quyền như thế nào trên biển. Trung Quốc sẽ nói họ không bị cấm khi nói về "đường chín đoạn" (hay "đường lưỡi bò"), không có quy định nào của UNCLOS cấm tuyên bố đường chín đoạn" - TS Kraska giải thích với Tuổi Trẻ.

UNCLOS không cho phép dùng vũ lực hay đe dọa vũ lực trên biển, song thực tế không có điều khoản đề cập tới "quân sự hóa". Cũng nhìn nhận về vấn đề trên, tướng về hưu của Hải quân Hàn Quốc Yoon Suk Joon kể với Tuổi Trẻ rằng khi ông hỏi những người Trung Quốc về lý do tại sao lại cần vũ trang mạnh tới vậy, họ đều trả lời "chúng tôi làm vì mục đích bảo đảm an ninh và không ai cấm".

Việc Trung Quốc cố lách luật đang là điều khiến các học giả chưa có câu trả lời cho giải pháp. Ông Greg Poling - giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Washington (Mỹ) - nhận xét rằng Bắc Kinh rõ ràng muốn UNCLOS là bộ quy tắc áp dụng toàn cầu, nhưng lại có một phiên bản riêng trong Biển Đông.

Việt Nam kiện sẽ thắng

Tại hội thảo Biển Đông năm nay, một điều đặc biệt là các chuyên gia dành nhiều sự quan tâm cho khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Chuyên gia hàng hải Poling khẳng định Việt Nam nên nghiêm túc cân nhắc việc này vì tới nay, đã khá rõ ràng rằng Trung Quốc đang áp dụng chiến lược cưỡng ép, bắt nạt nhằm đẩy Việt Nam ra khỏi vùng biển của mình. Chỉ trong vòng 4 tháng qua khi tàu khảo sát Trung Quốc vi phạm, mọi cơ chế giao tiếp song phương đều có vẻ không hiệu quả.

Trong khi đó, TS Kraska khẳng định Việt Nam chắc chắn sẽ thắng. "Và sau khi thắng, Việt Nam có thể làm điều Philippines không làm: thật sự hưởng lợi từ phán quyết. Một khi giành được công lý, quá trình tranh đấu chỉ mới là khởi đầu. Các bạn có thể sử dụng ngoại giao để gây sức ép lớn nhằm ép họ tuân thủ. Trong lịch sử, điều này có tác dụng nhiều lần".

TS Vũ Thanh Ca, Đại học Tài nguyên và môi trường Hà Nội, nhấn mạnh sai phạm rõ ràng của Trung Quốc, nhưng lưu ý về nội dung kiện tụng cụ thể. Việt Nam theo đó sẽ chắc chắn thắng kiện nếu khởi kiện vụ việc Trung Quốc vi phạm EEZ và thềm lục địa vừa qua.

Trung Quốc muốn đứng trên luật

Tại hội thảo, các chuyên gia, học giả uy tín về Biển Đông đã chia sẻ quan điểm về tình hình khu vực này. Trong đó một điểm chung nổi bật là việc Trung Quốc đang ngày càng hung hăng trên biển, đẩy mạnh các hoạt động phi pháp ngay cả trong quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Greg Poling cho rằng tình hình đang tệ đi trong mắt tất cả, ngoại trừ Trung Quốc. Ông Poling khẳng định trong vài năm qua, số lượng tàu của Trung Quốc đã tăng lên, khả năng của Trung Quốc trong việc quấy rối hoạt động trên biển của các nước láng giềng cũng tăng.

"Trung Quốc dường như quyết tâm ngăn chặn Việt Nam, Malaysia và Philippines tham gia bất kỳ hoạt động hợp pháp nào trong vùng biển của các nước này, từ khai thác dầu khí cho tới đánh cá hoặc bất cứ điều gì khác... Trung Quốc đang sử dụng lực lượng dân sự để khiến Đông Nam Á khó khăn và mạo hiểm khi hoạt động trong vùng nước của riêng mình" - ông Poling nói.

Học giả Trung Quốc trình bày "lạc quẻ" về... quan hệ Mỹ - Trung

Trong phiên thảo luận của Hội thảo quốc tế về Biển Đông sáng 6-11, học giả quốc tế tập trung phân tích tình hình Biển Đông và những nguy cơ. Tuy nhiên học giả Trung Quốc Zhiyong Hu lại thể hiện đầy lạc lõng khi cố ngó lơ hành động vi phạm của Trung Quốc. Ông Zhiyong Hu là giáo sư tại Viện nghiên cứu quốc tế thuộc Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải.

Trao đổi riêng với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo, TS Kraska thuật lại rằng các học giả Việt Nam, Anh, Malaysia, Philippines... đều nói về yếu tố Trung Quốc ở Biển Đông và quyền lợi của các nước khác, đặc biệt là Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên GS Zhiyong Hu lại trình bày một tham luận riêng biệt, tập trung nói về quan hệ Mỹ - Trung.

"Học giả Trung Quốc này tiếp tục nói Mỹ gây bất ổn bằng các hoạt động tự do hàng hải, một kiểu lập luận cũ. Ông ấy tập trung vào chuyện Mỹ - Trung, vốn không liên quan gì tới thảo luận của phần còn lại. Khi nhận câu hỏi về vi phạm của Trung Quốc, vị học giả này cũng không đáp lại" - TS Kraska nói.

N.Đ.

Trung Quốc đáp trả: Mỹ nên bớt huyên thuyên về Biển Đông Trung Quốc đáp trả: Mỹ nên bớt huyên thuyên về Biển Đông

TTO - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức phản pháo khi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nói rằng Trung Quốc đang "hăm dọa" và "cản trở" nước khác khai thác dầu khí trên Biển Đông.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp