23/04/2015 08:09 GMT+7

​Việt Nam kêu gọi tăng cường kết nối Á - Phi

VÕ VĂN THÀNH (từ Jakarta)
VÕ VĂN THÀNH (từ Jakarta)

TT - Sáng 22-4, tại thủ đô Jakarta diễn ra lễ khai mạc trọng thể Hội nghị cấp cao Á - Phi (AAC 2015).

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại hội nghị - Ảnh: V.V.Thành
Chúng ta cũng cần thúc đẩy kết nối về hàng hải, hàng không, gắn kết Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trong môi trường an ninh và an toàn
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Đây là hội nghị quan trọng nhân kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung 1955, 10 năm quan hệ đối tác chiến lược mới Á - Phi.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ đề hội nghị lần này là “Tăng cường hợp tác Nam - Nam nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên thế giới”, đồng thời đề cập sự cần thiết phải tăng cường hợp tác Á - Phi trong bối cảnh mới.

Phát biểu tại phiên toàn thể thứ nhất của hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng hai châu lục Á - Phi cần tăng cường hợp tác để tạo dựng và bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh bởi đây là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững.

Theo đó, các nước cần tuyệt đối tuân thủ 10 nguyên tắc Bandung (được đề ra tại Hội nghị Bandung, Indonesia năm 1955, với sự tham gia của lãnh đạo 29 nước Á - Phi, trong đó có Việt Nam) mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”, “không xâm lược, đe dọa xâm lược và sử dụng vũ lực”, “giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc”, “thúc đẩy các lợi ích chung”...

Trên tinh thần đó, Việt Nam kêu gọi “tăng cường kết nối Á - Phi vì hòa bình, thịnh vượng thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Chủ tịch nước nêu rõ cần ưu tiên tăng cường liên kết bền vững Á - Phi dựa trên các luật lệ và chuẩn mực chung, nhất là kết nối về kinh tế, thông qua các sáng kiến hợp tác Nam - Nam về thương mại, đầu tư, nông nghiệp, viễn thông, lao động, y tế, giáo dục... ở cấp độ khu vực, tiểu khu vực và hợp tác song phương.

Chủ tịch nước cũng đề cập đến việc tại các diễn đàn quốc tế, các nước Á - Phi cần tăng cường đoàn kết, phối hợp lập trường để bảo vệ, thúc đẩy lợi ích của các nước đang phát triển trong quá trình cải tổ các thể chế chính trị, kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế và trong xử lý các vấn đề toàn cầu, nhất là việc xây dựng chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015, trong thương lượng về các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và trong khuôn khổ các vòng đàm phán tại WTO.

Về khu vực Đông Nam Á, Chủ tịch nước cho biết Việt Nam cùng các nước ASEAN đang hoàn tất xây dựng cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay, đồng thời nhấn mạnh các nước ASEAN đang nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên biển Đông, con đường huyết mạch kết nối ASEAN với các nước và khu vực khác, trong đó có châu Phi.

Chủ tịch nước cũng khẳng định Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật biển 1982, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở biển Đông (DOC) và thúc đẩy sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Cùng ngày, bên lề Hội nghị cấp cao Á - Phi, Chủ tịch nước đã liên tục có các cuộc hội kiến và tiếp đại diện lãnh đạo các nước tham dự hội nghị như tổng thống Madagascar, phó tổng thống Nam Phi, phó tổng thống Venezuela, phó tổng thống Angola cùng ngoại trưởng các nước Ấn Độ, Thụy Điển và Tunisia.

Tại các cuộc tiếp xúc, Chủ tịch nước đề nghị các nước ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng chấp hành UNESCO (2015-2019), Hội đồng kinh tế xã hội LHQ (2016-2018) và ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ (2020-2021).

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe: “Nước lớn không được chèn ép nước nhỏ”

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhấn mạnh: “Chúng ta không cho phép việc các nước lớn dùng vũ lực để chèn ép các nước nhỏ mà không bị trừng phạt hay bị ngăn cản”.

Ông Abe nêu rõ sự thông thái của các thế hệ đi trước ở Hội nghị cấp cao Bandung 60 năm trước chính là đưa ra quy định “thượng tôn pháp luật” nhằm bảo vệ phẩm giá của các quốc gia có chủ quyền, dù đó là nước lớn hay nước nhỏ.

Ông Abe cũng khẳng định Nhật quyết tâm tiếp tục cố gắng hết sức như lâu nay, đó là kiềm chế những hành động hoặc đe dọa gây hấn, sử dụng vũ lực đối với sự toàn vẹn lãnh thổ hay sự độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, và giải quyết tất cả bất đồng quốc tế bằng các biện pháp hòa bình.

Chia sẻ tầm nhìn của mình, ông Abe nói biên giới của châu Á và châu Phi không có giới hạn, cần được xây dựng thành một thị trường mở và năng động, thành những mảnh đất màu mỡ, hứa hẹn mang đến sự thịnh vượng cho các thế hệ sau.

“Theo quan điểm của tôi, các hiệp định thương mại như Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) cuối cùng cũng sẽ hướng về châu Phi” - ông Abe nhận định.

Tại hội nghị, Tổng thống Indonesia Widodo cũng cho rằng quan điểm theo đó các vấn đề kinh tế toàn cầu chỉ có thể giải quyết thông qua Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là những ý tưởng đã lỗi thời.

“Cần có sự thay đổi. Chúng ta xây dựng một trật tự kinh tế quốc tế mới, mở ra đối với những nền kinh tế mới nổi” - Tổng thống Widodo nhấn mạnh.

Chiều qua, ông Abe cũng đã có cuộc gặp bên lề với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Abe nói sau cuộc gặp rằng hai nhà lãnh đạo đã nhất trí hợp tác vì quan hệ tốt đẹp hơn và đóng góp vào ổn định khu vực để thúc đẩy các mối quan hệ chiến lược đem lại lợi ích chung.

V.V.THÀNH - Q.TRUNG - MỸ LOAN

 

VÕ VĂN THÀNH (từ Jakarta)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp