Chiều 1-10, chuyên cơ chở Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã cất cánh rời Mông Cổ, khép lại chuyến thăm thành công tốt đẹp tới vùng đất của bầu trời và thảo nguyên xanh. Vượt qua lục địa Á - Âu, chuyên cơ tiếp tục đưa nhà lãnh đạo Việt Nam đến thủ đô Dublin của Ireland, nơi được mệnh danh là "Thung lũng Silicon của châu Âu".
Chuyến thăm lịch sử
Việt Nam và Ireland chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 5-4-1996. Kể từ đó, hai quốc gia đã dần xây dựng một nền tảng quan hệ song phương vững chắc. Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Ireland lần này nhận được nhiều kỳ vọng từ cả hai phía. Có thể nói chuyến thăm cũng mang ý nghĩa lịch sử trong quan hệ hai bên, bởi đây là lần đầu tiên một nguyên thủ Việt Nam đến thăm Ireland kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ.
Dù hai nước cách xa nhau về địa lý, quan hệ song phương vẫn duy trì sự gắn kết. Lấy ví dụ như vào tháng 1-2015, trong chính sách đối ngoại mới được đưa ra sau gần 20 năm, Ireland đã xác định đưa ngoại giao kinh tế trở thành trụ cột quan trọng.
Trên cơ sở này, Ireland đã chủ trương mở rộng quan hệ thương mại - đầu tư với các thị trường tiềm năng nhất thế giới, trong đó có ASEAN mà Việt Nam là một thành viên. Và từ đầu năm 2019, trong chiến lược "Ireland toàn cầu: Triển khai hoạt động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2025", Ireland đã coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Anh kiêm nhiệm Ireland Đỗ Minh Hùng, thương mại là một trụ cột chính trong quan hệ giữa Việt Nam và Ireland. Có được điều này là nhờ việc triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mà Ireland là một thành viên và sắp tới là Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Với vị thế là một nền kinh tế mới nổi, đứng trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại hàng đầu thế giới, Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp Ireland cho mục đích tìm hiểu đầu tư, xúc tiến hợp tác.
Thúc đẩy hợp tác cùng có lợi
"Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng nữa và tôi rất vui mừng khi chuyến thăm này diễn ra", Đại sứ Ireland tại Việt Nam Deirdre Ní Fhallúin bày tỏ với báo chí Việt Nam.
Còn theo Đại sứ Đỗ Minh Hùng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự kiến có bài phát biểu chính sách quan trọng về tầm nhìn chiến lược cho quan hệ hai nước trong giai đoạn phát triển mới.
Ông cũng sẽ thăm một số cơ sở giáo dục - đào tạo và công nghệ cao; tiếp một số doanh nghiệp Ireland trong các lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng năng lượng đang có kế hoạch tiếp cận, mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Là một quốc đảo với dân số chỉ 5,2 triệu người song nền kinh tế Ireland có quy mô trên 545 tỉ USD năm 2023, nằm trong nhóm 30 nước có GDP lớn nhất thế giới và top 10 quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất toàn cầu.
Đặc biệt, Ireland có thế mạnh trong nhiều lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu cùng tiềm năng lớn như công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, y tế, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao.
Theo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu, năm 2024 Ireland đứng thứ 19 trong tổng số 133 quốc gia/nền kinh tế thế giới. Đây là những con số cho thấy tiềm lực của Ireland trong đổi mới sáng tạo, công nghệ cao.
Và không phải ngẫu nhiên khi Ireland được gọi là "Thung lũng Silicon của châu Âu" bởi nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như Meta, Google chọn quốc đảo này là nơi đặt trụ sở khu vực châu Âu.
Cũng theo bảng xếp hạng trên, Việt Nam tiếp tục được đánh giá cao nhờ những nỗ lực thời gian qua khi tiếp tục thăng hạng lên vị trí 44/133 quốc gia và nền kinh tế. Điều này cho thấy tiềm năng hợp tác cùng có lợi giữa hai bên trong đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ là rất lớn trong thời gian tới.
Lịch trình dày đặc tại Ireland
Theo Đại sứ Đỗ Minh Hùng, dự kiến trong thời gian thăm Ireland, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có các cuộc hội đàm chính thức với Tổng thống Ireland Michael D. Higgins và người đứng đầu Chính phủ, Quốc hội Ireland.
Lãnh đạo hai bên sẽ thúc đẩy các biện pháp hợp tác sâu rộng, chứng kiến việc ký kết và thông qua nhiều văn kiện ở những lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và Ireland có thế mạnh như đầu tư chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, giáo dục - đào tạo (nhất là giáo dục đại học).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận