Đây là chia sẻ của ông Dương Tất Thắng - cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - tại họp báo thông tin Triển lãm và Hội thảo Vietstock 2023.
Triển lãm Vietstock 2023 do Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, với sự tham gia của 350 doanh nghiệp đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, diễn ra từ ngày 11 đến 13-10 tại TP.HCM.
Ông Dương Tất Thắng cho biết ngành chăn nuôi là lĩnh vực mũi nhọn của nông nghiệp, trong những năm qua luôn đạt mức tăng trưởng ổn định.
Ngành chăn nuôi của Việt Nam đã có những bước chuyển mình ấn tượng, trong 6 tháng đầu năm 2023 ngành chăn nuôi đã chiếm 27% tỉ trọng đóng góp GDP chung toàn ngành.
Tuy nhiên, hiện nay ngành chăn nuôi vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, đặc biệt là an toàn thực phẩm.
"Hiện nay an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức, chúng ta cần chú trọng hơn nữa quy trình kiểm soát dịch bệnh, giết mổ.
Ngoài ra khi quy mô chăn nuôi đang ngày càng mở rộng, cần quan tâm hơn đến vấn đề môi trường. Chúng ta cần đẩy mạnh tái sử dụng các phụ phẩm của chăn nuôi, kết hợp lĩnh vực trong kinh tế tuần hoàn.
Các doanh nghiệp có thể tăng cường hợp tác, nâng cao giá trị từ con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ chế biến đến phân phối ra thị trường", ông Thắng nói.
Ông Thắng cũng cho rằng Triển lãm Vietstock là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận với những công nghệ lớn trên thế giới. Tăng cường chăn nuôi bền vững, thân thiện môi trường và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi.
TS Võ Trọng Thành - Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết thêm trong thời gian tới, ngành chăn nuôi sẽ đối diện với khó khăn về chăn nuôi an toàn sinh học.
Ông Thành cho hay chăn nuôi an toàn sinh học tại Việt Nam còn yếu. Trong khi đó, từ năm 2026, theo Luật Chăn nuôi quy định không sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi.
Vì vậy ngay từ bây giờ doanh nghiệp, người chăn nuôi cần nghiên cứu các biện pháp để nâng cao chất lượng đàn chăn nuôi. Từ giảm kháng sinh tiến đến dừng hẳn kháng sinh, nếu không chuẩn bị tốt sẽ dễ dẫn đến khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận