Dây chuyền kiểm tra bo mạch điện tử tại nhà máy sản xuất của Trung Nam EMS ở Khu công nghệ cao Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Ngày 30-11, tại diễn đàn thu hút đầu tư ICT Hàn Quốc vào Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2025.
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Việt Nam đưa ra quan điểm phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Với quyết tâm phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) lớn mạnh, Việt Nam đã có 58.000 doanh nghiệp ICT và đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 100.000 doanh nghiệp. Hiện nay, Việt Nam đứng top 10 thế giới về xuất khẩu sản phẩm điện tử và thứ 2 thế giới về điện thoại, thứ 9 về gia công phần mềm. Chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới là chuyển đổi từ gia công, lắp rắp sang làm sản phẩm, dịch vụ theo hướng "Make in Viet Nam" - sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam.
"Mục tiêu tới năm 2030 Việt Nam sẽ lọt vào top 50 quốc gia đứng đầu về chính phủ số và nền kinh tế số đóng góp 30% GDP. Tăng trưởng kinh tế số hằng năm cao gấp 3 lần tăng trưởng GDP, tạo ra một nền kinh tế số bao trùm trong tất cả các lĩnh vực như y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải - logistics" - Thứ trưởng Phan Tâm chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, phó vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ TT&TT, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin năm 2020 đạt 124,6 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 đạt bình quân 15,2%/năm, cao hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP, trở thành một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, quy mô lớn nhất của cả nước.
Năm 2020, Việt Nam đã hình thành đội ngũ lao động công nghệ số với gần 1,1 triệu người. Doanh thu công nghiệp phần cứng đạt 110 tỉ USD. Các mặt hàng công nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt là điện thoại và máy tính, vẫn đứng vững trong danh sách top 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2020, đưa ngành công nghiệp phần cứng, điện tử của Việt Nam xuất siêu hơn 15 tỉ USD.
Nói với các doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Trần Phước Sơn, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết TP định hướng phát triển trở thành một đô thị sinh thái thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trong đó tập trung phát triển 3 trụ cột chính: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số sẽ tiếp tục là lĩnh vực mũi nhọn được chú trọng phát triển.
Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2025 sẽ thu về 2,34 tỉ USD tổng doanh thu toàn ngành ICT và đến năm 2030, ngành công nghiệp ICT sẽ đóng góp 15% trong tổng GRDP của thành phố. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, môi trường sống - làm việc và tập trung thu hút đầu tư vào 3 nội dung gồm: đầu tư hạ tầng, đầu tư vào dữ liệu và ứng dụng thông minh.
"Đà Nẵng xác định Hàn Quốc là một trong những đối tác trọng điểm có tiềm lực mạnh về tài chính, kỹ thuật và mong muốn đẩy mạnh kết nối, kêu gọi sự quan tâm đầu tư nhiều hơn từ các doanh nghiệp Hàn Quốc vào lĩnh vực ICT của thành phố. Chúng tôi hy vọng sẽ đón tiếp ngày càng nhiều các doanh nghiệp Hàn Quốc đến đầu tư và phát triển cơ hội kinh doanh mới. Chính quyền thành phố cam kết sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc đến tìm hiểu môi trường đầu tư, thiết lập và triển khai dự án đạt hiệu quả tại Đà Nẵng" - ông Sơn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận