17/12/2018 09:07 GMT+7

Việt Nam hướng đến công xưởng thế hệ mới

NGỌC HIỂN - NGỌC AN
NGỌC HIỂN - NGỌC AN

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định VN đã thành công xưởng của thế giới. Nhiều ngành đang chứng kiến sự phát triển sôi động, song cần nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển mới, cao hơn.

Việt Nam hướng đến công xưởng thế hệ mới - Ảnh 1.

Nhà máy Intel Việt Nam tại Khu công nghệ cao, Q.9, TP.HCM - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

VN còn nhiều việc cần làm để thành một trung tâm sản xuất của thế giới, với công nghệ cao.

“VN cần phải xây dựng một thế hệ mới... Phải xây dựng các nhà máy thông minh, ứng dụng công nghệ để giảm thiểu lao động.

Ông LÊ HOÀI QUỐC

Cứ điểm sản xuất của nhiều doanh nghiệp lớn

Trong căn phòng trọ khá khang trang ở bên ngoài Khu công nghiệp Mỹ Xuân (huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu), nữ công nhân Lê Thị Ny (26 tuổi, Công ty dệt may Eclat VN) cho biết cô đã có 8 năm làm công nhân tại khu công nghiệp này.

Hiện tại, mức lương cơ bản mà cô nhận được tầm 6 triệu đồng/tháng và tăng thêm 2 triệu đồng/tháng nếu tăng ca.

Chồng của Ny làm công nhân cho một công ty thép của nước ngoài tại đây và nhận lương khoảng 11 triệu đồng/tháng - số tiền có thể bằng tích lũy cả nửa năm với nhiều người ở quê Ny nếu chỉ làm nông nghiệp.

Ny cũng như hàng vạn công nhân đã thay đổi kỹ năng lao động và tăng thu nhập sau khi VN được nhiều doanh nghiệp ngoại lựa chọn làm cứ điểm sản xuất.

Với tổng vốn đăng ký đầu tư 17,3 tỉ USD, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Shim Won Hwan - tổng giám đốc Samsung VN - cho hay hai nhà máy của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên cung cấp đến 50% (tương đương 150 triệu) chiếc điện thoại di động của Samsung trên toàn thế giới.

Samsung cũng đầu tư trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) lớn nhất Đông Nam Á tại VN. Còn tại TP.HCM, Samsung đầu tư nhà máy điện tử gia dụng lớn nhất Đông Nam Á.

Nhà máy phát điện cho tuôcbin gió và linh kiện, hệ thống điều khiển của Tập đoàn General Electric (GE, Mỹ) ở Hải Phòng cũng trở thành điểm đầu tư quan trọng của GE Global. Mặc dù trước đó tập đoàn này đã đầu tư sản xuất sản phẩm tương tự tại Trung Quốc, nhưng GE Hải Phòng lại được lựa chọn để trở thành 1 trong 5 nhà máy thông minh của GE trên toàn thế giới.

Ông Olivier Fontan, phó chủ tịch chuỗi cung ứng toàn cầu GE Renewable Energy, nói GE Hải Phòng đã chiếm tới 80% lượng cung ứng tủ điện của GE ra toàn cầu, mang về doanh thu khoảng 1 tỉ USD.

Việt Nam hướng đến công xưởng thế hệ mới - Ảnh 3.

Công nhân Samsung đến nhà máy ở Thái Nguyên chuẩn bị ca sản xuất - Ảnh: XUÂN LỰC

Doanh nghiệp Việt "chen" vào chuỗi

Đầu tư nước ngoài, đặc biệt với những doanh nghiệp lớn, một số ngành nghề lớn vào VN đang kéo theo sự phát triển của nhiều doanh nghiệp, dịch vụ tại VN, từ nhà trọ tới các khâu phức tạp hơn.

Là doanh nghiệp mới được thành lập hoạt động trong lĩnh vực sửa chữa màn hình điện thoại, lãnh đạo Công ty TNHH DM Vina (Vĩnh Phúc) cho biết đang tham gia với sự hỗ trợ tư vấn cải tiến tại Samsung, tiến tới khả năng cung cấp sản phẩm cho tập đoàn này.

Tại khu vực phía Bắc, không chỉ DM Vina, nhiều doanh nghiệp nhựa, phôi nhôm cũng đã bắt đầu thâm nhập, thay đổi quy trình để trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI lớn.

Nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH 4P đã thành nhà cung cấp cho LG, Canon... nhiều linh kiện điện tử quan trọng.

Việt Nam hướng đến công xưởng thế hệ mới - Ảnh 4.

Ông Lê Hoài Quốc

Đánh giá về tham gia chuỗi của các doanh nghiệp Việt, ông Lê Hoài Quốc - trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM - đưa dẫn chứng: năm 2011, Công ty Jabil (Mỹ) than phiền rất khó tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước.

Công ty này chỉ tìm được khoảng 20 doanh nghiệp Việt đủ khả năng nhưng cũng chỉ cung ứng những sản phẩm bình thường như băng keo, giấy dán, đóng thùng...

Tuy nhiên vài năm trở lại đây, chuỗi cung ứng nội địa cho Jabil đã có đến 300 doanh nghiệp Việt tham gia, cung cấp được những sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao.

"Trung tâm được miễn giảm thuế"

Theo một chuyên gia của Bộ Công thương, dù nhiều ngành có thể đã thành công xưởng thế giới, phát triển nhanh, nhưng nhiều ngành cơ bản xuất khẩu của chúng ta là nhờ doanh nghiệp FDI, chủ yếu là gia công.

VN cần có chính sách tốt hơn để thúc đẩy thu hút đầu tư chất lượng cao, thúc đẩy để doanh nghiệp FDI liên kết doanh nghiệp Việt. Những chính sách thu hút về thuế, đất đai... chỉ là một phần, nên chúng ta thu hút được chưa nhiều trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.

Với việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do, biến VN thành "trung tâm được miễn giảm thuế" tới hàng loạt thị trường như EU, ASEAN, Liên minh kinh tế Á - Âu (gồm Nga và một số nước), tới đây là CPTTP với hàng loạt thị trường quan trọng như Nhật, Hàn Quốc, Canada... VN có thêm cơ hội thành công xưởng thế giới quy mô lớn hơn nữa, bước sang giai đoạn phát triển mới.

Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội, VN cần thúc đẩy việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, có chính sách chặt hơn để chặn công nghệ thấp và cải thiện môi trường kinh doanh để hút đầu tư chất lượng cao, thâm dụng công nghệ nhiều hơn. Bởi chúng ta không có thị trường khổng lồ như Trung Quốc, nhà đầu tư có thể chọn VN hoặc nhiều nước khác trong khu vực.

Ông Lê Hoài Quốc cho rằng VN cần phải xây dựng một "" với các nhà máy kiểu mới. Bởi trong tương lai, công nhân sẽ cắt giảm, thay thế bằng robot và quy trình tự động hóa.

Do đó khái niệm công xưởng của thế giới, theo ông Quốc, cũng phải khác xưa, phải xây dựng các nhà máy thông minh, ứng dụng công nghệ để giảm thiểu lao động.

"Những nhà máy sử dụng nhiều nhân công trong tương lai cũng sẽ bị thay thế vì robot ngày càng rẻ, lương người lao động sẽ nâng dần lên. Đến một lúc nào đó, doanh nghiệp sẽ nhận thấy thâm dụng lao động không có lợi, họ sẽ áp dụng tự động hóa" - ông Quốc nói.

Tương tự, PGS.TS Trần Đình Thiên (nguyên viện trưởng Viện Kinh tế VN) cũng cho rằng VN nên đặt mục tiêu hướng đến nền kinh tế số, thu hút đầu tư phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao.

Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ tận dụng những lợi thế có sẵn của VN, phát triển dựa trên những nền tảng cũ như lao động giá rẻ, có một số tài nguyên, vị trí địa lý gắn với cảng biển để chở những hàng nặng...

Ông Thiên cảnh báo những lợi thế truyền thống đó đã trở thành bất lợi bởi lao động giá rẻ đi liền với năng suất thấp, kỹ năng yếu...

Ông Thiên cho rằng VN đang có "tọa độ" hội nhập tốt, xu hướng đầu tư nước ngoài vào VN hiện nay đang tốt lên, đó là cơ hội để VN lựa chọn nhà đầu tư có thực lực kinh tế, tài chính và thực lực công nghệ để kéo kinh tế VN phát triển.

GS Nguyễn Mại (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài):

Chủ động kết nối với các tập đoàn công nghệ

nguyen mai

Không chỉ điện thoại, trong 11 tháng của năm 2018, xuất khẩu thiết bị điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27 tỉ USD (vào EU tăng 9,3%, Trung Quốc tăng 24,8%, Hàn Quốc tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước).

Ngành công nghệ thông tin của VN cũng phát triển khá nhanh, những năm gần đây một số tiêu chí đã đạt trình độ tiên tiến nhất trong khu vực. VN cũng đi tiên phong trong phát triển các mạng 3G, 4G, gần đây là một trong những nước thí điểm sớm nhất mạng 5G...

Vấn đề của VN là phải chọn một số lĩnh vực, vì VN không phải là Trung Quốc hay Mỹ, có khả năng đầu tư hàng loạt ngành mới. VN phải chọn những phân ngành có lợi thế nhất.

Để trở thành công xưởng một số ngành của thế giới, VN phải thu hút được các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, phù hợp với xu hướng tái cấu trúc kinh tế. Muốn vậy, chúng ta cần thay đổi cách xúc tiến đầu tư, từ tổ chức các hội thảo rầm rộ sang xúc tiến đầu tư có địa chỉ.

VN cần gì thì chủ động tìm đến những tập đoàn lớn của thế giới đáp ứng được cái đó, theo dõi chiến lược toàn cầu của họ, giải quyết yêu cầu khó, như chống tham nhũng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ...

ĐẶNG TUÂN ghi

GS.TS Đoàn Thị Hồng Vân (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM):

Không thành công xưởng bằng mọi giá

van

Trên bước đường trở thành công xưởng của thế giới, để phát triển bền vững và hiệu quả cần đặc biệt chú trọng hai vấn đề: đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bảo vệ môi trường. Có nguồn nhân lực chất lượng cao chúng ta có thể chủ động tham gia các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu ở những vị trí có lợi cho đất nước.

Về bảo vệ môi trường, chúng ta cần nghiêm túc xem xét, rút kinh nghiệm từ bài học của Trung Quốc, nước này đã phát triển quá nóng và phải trả giá đắt cho sự phát triển của mình.

Vì vậy, trước khi đưa ra quyết định thu hút đầu tư cần cân nhắc thật kỹ những được - mất của sự phát triển và bảo vệ môi trường. Không thể chấp nhận phát triển bằng mọi giá để trở thành công xưởng của thế giới.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cơ hội đặc biệt đang mở ra. Tuy nhiên, cần có bộ lọc kỹ với những tiêu chí cụ thể để đảm bảo được những lợi ích đất nước, nhất là về vấn đề bảo vệ môi trường.

N.HIỂN ghi

Công xưởng của nhiều ngành gắn với nông nghiệp

1216-xuat khau hat dieu-tto

Nguồn: Bộ NN&PTNT - Đồ họa: Tấn Đạt

Đến nay, VN đã trở thành trung tâm chế biến của nhiều loại nông sản trên thế giới và đang tiếp tục vươn lên.

Từ xuất khẩu nguyên liệu thô ra nước ngoài, hơn 10 năm qua, VN dần có những nhà máy chế biến nông sản quy mô không ngừng được mở rộng, nhanh tới mức nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng kịp, phải nhập khẩu thêm nguyên liệu từ nước ngoài.

Ngành điều là một điển hình. Đầu những năm 2000, ngành chế biến và xuất khẩu điều do các doanh nghiệp Ấn Độ thống trị với kinh nghiệm hàng trăm năm. Họ nắm vùng nguyên liệu ở châu Phi.

Khi đó, các doanh nghiệp Việt chỉ mua gom hạt điều rồi bán sang Ấn Độ chế biến, xuất khẩu sang các thị trường cao cấp.

Doanh nghiệp VN bắt đầu chế biến hạt điều thành điều nhân đóng gói theo chuẩn quốc tế bằng cách học hỏi cách làm của người Ấn, công nghệ chế biến từ châu Âu. Sau đó, các kỹ sư của ngành chế tạo máy VN đã cải tiến máy móc.

Kết quả, một thế hệ máy chế biến điều do VN sáng chế ra đời đã làm thay đổi toàn bộ ngành điều thế giới, giúp giảm nhân công, tăng năng suất lẫn chất lượng chế biến.

Kể từ năm 2005, VN vượt qua Ấn Độ để vươn lên đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hạt điều và giữ vị trí này suốt 13 năm liên tục cho đến năm 2018.

VN đang nắm giữ trên 50% thị trường điều nhân xuất khẩu của thế giới và đã thành nhà nhập khẩu nhân điều lớn nhất thế giới, thay thế Ấn Độ để trở thành nước nhập khẩu điều thô lớn nhất từ châu Phi với số lượng trên 1 triệu tấn/năm.

cn

Chế biến cá tra xuất khẩu - Ảnh: T.T.D.

Bên cạnh hạt điều, VN cũng trở thành nước nhập khẩu thủy hải sản lớn với giá trị hàng tỉ USD mỗi năm để chế biến và xuất khẩu do công suất các nhà máy trong nước tăng nhanh vượt mức cung cấp của nguyên liệu trong nước.

VN là quốc gia xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, xuất khẩu tôm top 5 thế giới và cùng với Thái Lan là một trong hai trung tâm chế biến cá ngừ của Đông Nam Á cung cấp cho thị trường toàn cầu.

Một số doanh nghiệp thủy hải sản đề xuất VN cần có thêm những chính sách thông thoáng hơn trong kiểm soát nhập khẩu nguyên liệu chế biến tái xuất.

Đây là cơ sở để đưa VN trở thành trung tâm chế biến các sản phẩm thủy hải sản như tôm, cá ngừ xuất khẩu. Bởi VN không chỉ có nhiều nhà máy thủy sản công suất cao mà đã có đội ngũ công nhân chế biến trình độ tốt.

Mặc dù còn nhiều tiềm năng cần khai phá để phát triển tiếp nhưng VN cũng đã có những bước tiến, là quốc gia đứng đầu thế giới nhiều năm liền về chế biến và xuất khẩu hạt tiêu với sản lượng và giá trị xuất khẩu trên 50% giá trị toàn cầu. VN đứng thứ hai thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê, xuất khẩu trên 1 triệu tấn cà phê các loại ra toàn thế giới.

Cùng với việc trở thành trung tâm chế biến các mặt hàng xuất khẩu, VN cũng đang từng bước trở thành trung tâm chế biến các nguyên liệu đầu vào phục vụ nông nghiệp. Trong đó phải kể đến các ngành chế biến thức ăn chăn nuôi, phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật...

Mỗi năm, VN nhập khẩu nhiều tỉ USD các nguyên liệu nói trên để sản xuất ra thành phẩm cuối cùng.

TRẦN MẠNH

NGỌC HIỂN - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp