Theo chỉ số Nghèo đa chiều (MPI) toàn cầu được Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Sáng kiến nghèo đói và phát triển con người (OPHI) tại Đại học Oxford công bố ngày 11-7, Việt Nam nằm trong số 25 quốc gia đã giảm nghèo đa chiều thành công.
Điểm đánh giá theo thang điểm từ 0 đến 10 (điểm cao - 10 nghĩa là mức độ nghèo đa chiều cao). Theo đó, các tiêu chí nghèo đa chiều của Việt Nam giảm 50%.
Các dữ liệu của Việt Nam trong báo cáo được cập nhật đến giai đoạn 2020/2021. Dựa trên những dữ liệu này, 1,9% dân số Việt Nam (1,8 triệu người, năm 2021) thuộc diện nghèo đa chiều và 3,5% dân số (ngoài nhóm trên) được xếp vào nhóm ở ngưỡng nghèo (3,3 triệu người, năm 2021).
Trong 25 quốc gia giảm nghèo đa chiều thành công, ngoài Việt Nam còn có Campuchia, Trung Quốc, Congo, Honduras, Ấn Độ, Indonesia, Morocco, Serbia.
Nghèo đa chiều là cách đánh giá mới theo tiêu chí về thu nhập (dưới 2,15 USD/ngày - tương đương 50.000 đồng/ngày) và mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, điều kiện sống…
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2016-2020, Việt Nam bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới hướng tới giảm nghèo bền vững, tiếp cận đa chiều theo xu hướng chung của các nước trên thế giới.
Đây là phương pháp tiếp cận mới, tiến bộ hơn, có tính nhân văn, tác động toàn diện hơn đến người nghèo, nhưng cũng là thách thức mà Việt Nam phải đối mặt.
Cũng theo báo cáo mới công bố, 1,1 tỉ trong số 6,1 tỉ người (hơn 18%) sống trong tình trạng nghèo đa chiều ngắn hạn ở 110 quốc gia.
Châu Phi cận Sahara (534 triệu) và Nam Á (389 triệu) là nơi sinh sống của khoảng 5/6 người nghèo.
Gần 2/3 tổng số người nghèo (730 triệu người) sống ở các quốc gia có thu nhập trung bình. Điều này cho thấy những chính sách giảm nghèo ở các quốc gia này có vai trò quan trọng trong giảm nghèo toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận