Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh - Ảnh: Bộ Ngoại giao
Trao đổi với phóng viên ngày 28-12, thời điểm toàn cầu sắp chia tay một năm 2020 nhiều biến động, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chia sẻ nhận định về tình hình đối ngoại của Việt Nam.
Phó thủ tướng cho rằng 2020 là một năm đặc biệt, khi các quốc gia đều đối diện thách thức từ mọi mặt vì dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19).
Tuy nhiên, "dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị chúng ta đã làm tốt nhiệm vụ kép, vừa kiềm chế được dịch COVID-19, đồng thời vẫn giữ được môi trường ổn định, phát triển kinh tế xã hội của đất nước chúng ta", ông nói.
Riêng về đối ngoại, Phó thủ tướng khẳng định Việt Nam vẫn triển khai được các hoạt động quan trọng, cả đối ngoại song phương lẫn đối ngoại đa phương.
"Đó là việc chúng ta duy trì được quan hệ với các đối tác không phải qua các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo cấp cao ta và của lãnh đạo của các nước đến Việt Nam như thông lệ các năm.
Năm 2020, chúng ta đã chuyển đổi hình thức, tăng cường trao đổi bằng điện đàm, bằng trực tuyến với lãnh đạo cấp cao của các nước với trên 33 cuộc điện đàm của lãnh đạo cấp cao ta với lãnh đạo của hầu hết các nước quan trọng trên thế giới cũng như trong khu vực", ông chia sẻ.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide dạo Hồ Gươm ở Hà Nội ngày 20-10. Trong năm 2020, bất chấp khó khăn về dịch bệnh, ngành ngoại giao Việt Nam đã nỗ lực và tiếp đón nhiều chính khách, quan chức nước ngoài tới thăm - Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong năm 2020, Biển Đông vẫn tiếp tục là vấn đề quan trọng trong đối ngoại của Việt Nam. Phó thủ tướng đánh giá tình hình vùng biển này diễn ra phức tạp và có nhiều những yếu tố làm cho tình hình bất ổn định.
Tuy nhiên, Việt Nam đã tiếp tục duy trì được môi trường ổn định ở Biển Đông thông qua nhiều biện pháp, trong đó có các biện pháp quan hệ song phương của chúng ta với các nước.
"Trong tất cả các cuộc trao đổi của lãnh đạo cấp cao với các nước cũng như trong các cuộc tiếp xúc các cấp, vấn đề Biển Đông luôn luôn được nêu với mục tiêu, yêu cầu là phải đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định tại Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế và đặc biệt Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, không có các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông. Đó là các nội dung xuyên suốt mà chúng ta đã nêu", Phó thủ tướng nói.
Tương tự tại các hội nghị quốc tế, đặc biệt trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Biển Đông tiếp tục là vấn đề quan tâm.
Trong năm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam tiếp tục nêu và tạo được sự đồng thuận, ủng hộ trong ASEAN cũng như bên ngoài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị ASEAN - Nhật Bản. Trong năm 2020, Việt Nam đã đưa vấn đề Biển Đông vào hầu hết các sự kiện song phương và đa phương - Ảnh: báo quốc tế
Một trong những thành công đáng chú ý nhất của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông là việc nhận được sự đồng thuận, tuân thủ luật pháp quốc tế, xem Công ước UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý cho quyền và lợi ích hợp pháp của các nước.
"Đây là nội dung hết sức mới trong các văn kiện của ASEAN và được các nước ASEAN đồng thuận, được các nước bên ngoài ủng hộ. Trên thực tế, các nước trong 2020 đã nhấn mạnh nhiều vào yếu tố tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982.
Vấn đề thứ ba là chúng ta vẫn tiếp tục các hoạt động kinh tế bình thường trên những vùng biển hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta một cách ổn thỏa", Phó thủ tướng chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận