Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của hợp tác ACMECS trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của người dân, thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy kết nối trong ASEAN.
Hợp tác quản lý bền vững nguồn nước xuyên biên giới
Trước những biến động phức tạp, khó lường của thế giới, đặt ra những thách thức đa chiều, các nhà lãnh đạo thống nhất kiên trì thúc đẩy phát triển cân bằng, bao trùm và bền vững. Tăng cường các cơ chế hợp tác để xây dựng Cộng đồng ACMECS "Đoàn kết, Sức mạnh và Bền vững".
ACMECS sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác kết nối giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật số, tạo thuận lợi thương mại nhằm đưa tiểu vùng Mekong trở thành trung tâm hậu cần khu vực; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Đặc biệt với việc hợp tác nguồn nước Mekong, các nước nhất trí hợp tác quản lý bền vững nguồn nước xuyên biên giới. Đặc biệt trong phối hợp với Ủy hội sông Mekong quốc tế; chia sẻ dữ liệu thủy văn; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm thiên tai...
Nhấn mạnh vai trò trung tâm của ACMECS, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam là cấu phần không thể thiếu của Cộng đồng ASEAN. Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực, chủ động và sáng tạo vào quá trình phát triển ACMECS, phấn đấu xây dựng "một ACMECS mạnh vì một ASEAN đoàn kết, thống nhất trong đa dạng và phát triển đồng đều".
Trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo, mở ra vận hội mới, Thủ tướng cho rằng đây là thời điểm mà ACMECS cần xác định sứ mệnh mới. Đó là cùng nhau xây dựng một cộng đồng các nước Mekong đoàn kết, vững mạnh và phát triển bền vững.
Theo đó, hợp tác ACMECS cần hội tụ tinh thần "năm chung" là khát vọng chung, tầm nhìn chung, quyết tâm chung, tiếng nói chung và hành động chung. Với quan điểm như vậy, Thủ tướng đã đề xuất sáu nội dung để hợp tác ACMECS bứt phá giai đoạn tới.
Đó là tư duy gắn kết hành động với các hợp tác cần thực chất, trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, đảm bảo tính khả thi cao, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực. Theo đó, Thủ tướng đã thông báo Việt Nam sẽ đóng góp 10 triệu USD cho Quỹ Phát triển ACMECS.
Thúc đẩy tăng trưởng nhanh gắn phát triển bền vững
Hai là truyền thống gắn kết hiện đại trên cơ sở ACMECS cần hỗ trợ các nước thành viên làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống gồm đầu tư, tiêu dùng và thương mại. ACMECS cần đẩy mạnh động lực tăng trưởng mới, ưu tiên chuyển đổi số toàn diện, huy động nguồn vốn cho hạ tầng và dịch vụ số.
Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; ứng dụng công nghệ số cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thông tin - truyền thông, tài chính, ngân hàng, hải quan số, cửa khẩu thông minh.
Ba là, tăng trưởng nhanh gắn kết bền vững với trọng tâm thúc đẩy chuyển đổi xanh, xây dựng kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Với yêu cầu cấp bách ứng phó biến đổi khí hậu, ưu tiên hàng đầu là thu hút nguồn tài chính xanh trong các ngành công nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, giao thông và vận tải ít phát thải.
Cùng đó là việc đẩy mạnh hợp tác trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong. Trọng tâm là chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực trong sử dụng và quản lý bền vững các nguồn nước xuyên biên giới. Nhất là khả năng chia sẻ dữ liệu thủy văn, hợp tác quản lý thiên tai, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm...
Bốn là quốc gia gắn kết khu vực và quốc tế, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, dịch vụ và đi lại của người dân. Đơn giản hóa, hài hòa hóa các thủ tục, tập trung phát triển hạ tầng giao thông để kết nối nội vùng và liên vùng, nhất là hệ thống đường sắt, đường cao tốc.
Trong đó, các nước cần đẩy mạnh chia sẻ thông tin, phối hợp trong quá trình xây dựng các quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm "kết nối thông suốt vì một tiểu vùng Mekong hội nhập".
Năm là, gắn kết Chính phủ với người dân và doanh nghiệp, triển khai các dự án lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và động lực, đảm bảo tính bao trùm. Tiếp đó là việc gắn kết giữa phát triển với duy trì ổn định, bảo đảm an ninh.
Sáu là gắn kết giữa phát triển với duy trì ổn định, bảo đảm an ninh. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất ACMECS tăng cường hợp tác chống tội phạm xuyên biên giới, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm mạng, không để tội phạm sử dụng lãnh thổ nước này để chống nước khác.
ACMECS gồm các thành viên Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Vientiane và chứng kiến chuyển giao vai trò Chủ tịch ACMECS giữa Lào và Myanmar.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận