Đạo diễn Phan Đăng Di
Đang ở Manila (Philippines), đạo diễn Phan Đăng Di vẫn theo dõi câu chuyện kiểm duyệt điện ảnh ở quê nhà và có cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ.
Ông Di cho rằng hiện Việt Nam đang duy trì mô hình quản lý điện ảnh "làm khổ lẫn nhau, dẫn đến thế đối đầu giữa cơ quan quản lý và những người làm phim và bất ổn xảy ra liên tục".
* Ông cho rằng cơ chế duyệt phim ở Việt Nam rất bất cập, vậy theo ông, có giải pháp nào để giải quyết các vấn đề?
- Tôi thấy một bất cập lớn là khu vực sản xuất phim hiện nay tập trung chủ yếu ở phía Nam, mà hội đồng duyệt phim lại ở phía Bắc. Người trong Nam bay ra duyệt phim rất tốn sức lực, tiền bạc. Tại sao không thành lập một hội đồng duyệt ở phía Nam?
Hội đồng này cần có đại diện của các nhà sản xuất phim (bảo vệ quyền lợi cho người làm phim), những người có chuyên môn về điện ảnh. Khi nảy sinh vấn đề cần tranh luận thì hội đồng quốc gia sẽ nhóm họp. Phải tạo ra cơ chế tranh luận, chứ không nên duy trì tình trạng cơ quan quản lý nói gì, doanh nghiệp điện ảnh phải chấp nhận hết.
Thủ tướng còn đối thoại với doanh nghiệp để tìm hướng phát triển. Các đơn vị sản xuất phim cũng là doanh nghiệp, cớ gì cơ quan quản lý điện ảnh lại không cho đối thoại. Người ta bỏ hàng chục tỉ đồng ra làm phim, sao lại không cho người ta nói?
Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch và Cục Điện ảnh nên buông dần một số quyền và phân quyền. Đơn cử việc duyệt phim cũng có thể giao thêm trách nhiệm cho những người nhập khẩu phim.
Họ chính là người chọn phim, tổ chức dịch phụ đề, là người đầu tiên phát hiện ra phim có vấn đề gì hay không. Cần thì có thể hỗ trợ họ kinh phí và cũng giao hẹn nếu anh để lọt phim không tốt lần đầu anh bị chế tài, lần sau anh bị tước giấy phép chẳng hạn.
Nếu cứ giữ một hội đồng duyệt phim quốc gia với cơ chế xin cho thì sẽ xảy ra tình trạng độc quyền, nảy sinh tiêu cực.
Nếu chỉ duy trì thành viên hội đồng là những người về hưu, không có các thành phần tham gia sản xuất, đang hoạt động trong guồng máy sản xuất điện ảnh, rất có thể hội đồng đó sẽ đưa ra những quyết định bất lợi cho điện ảnh, mà thậm chí còn phương hại đến hình ảnh quốc gia.
Nếu không thay đổi sẽ dẫn tới tình trạng người làm phim và nhà quản lý ở thế đối địch. Lúc đó, điện ảnh rơi vào thế kẹt, không phát triển được nữa.
Đã đến lúc cần đối thoại, cần nhìn lại về chính sách điện ảnh. Người làm phim phải có tiếng nói tranh biện lại những chuyện áp đặt vô lý.
Một số phim kinh dị hay phim có cảnh bạo lực của các hãng phim Việt Nam thường bị kiểm duyệt và cắt xén một số đoạn mới được ra rạp - Ảnh: T.T.D
* Phim Ròm được Liên hoan phim Busan trao giải thưởng quan trọng, nhưng lại gặp khó khăn với cơ quan kiểm duyệt trong nước. Ông đánh giá thế nào về vụ việc này?
- Các liên hoan phim quốc tế uy tín không chủ trương trao giải cho những bộ phim chống lại con người, chống lại nhà nước.
Các nhà làm phim trẻ của chúng ta nếu có làm phim phản ánh hiện thực xã hội đem ra nước ngoài dự thi cũng là muốn nói lên tiếng nói cá nhân của họ. Hơn ai hết, họ ý thức được họ là công dân Việt Nam, họ sẽ có trách nhiệm bảo vệ hình ảnh quốc gia.
Còn chuyện phim phản ánh những vấn đề xã hội nóng bỏng, thì nước nào đang trên đà phát triển mà chả có chuyện này chuyện kia. Nghệ sĩ hơn ai hết phải là người nhạy cảm nắm bắt được những chuyện đó và phản ánh bằng nghệ thuật, nên coi đó là chuyện bình thường chứ.
Những nhà làm phim độc lập không lấy của Nhà nước một đồng, họ có khát vọng đưa tiếng Việt đến những liên hoan phim quan trọng của thế giới, vì sao không giúp họ?
Những người làm phim trẻ đưa phim đi dự liên hoan phim ở các nước rất đáng ghi nhận, nhưng nhiều khi phải đi xin tiền vé máy bay tại các sứ quán, trong khi các nước đều có quỹ hỗ trợ tài năng trẻ.
Phải có chiến lược xây dựng nền điện ảnh Việt Nam, có chính sách phát triển phim nghệ thuật. Khi mình có tiếng nói ở những liên hoan phim quan trọng thì vị thế của mình cũng được nâng cao. Mình sẽ không phải ngại những trò bẩn như gài "đường lưỡi bò" vào phim hoạt hình nữa.
Ròm là bộ phim Việt dự tranh giải New Currents (tương đương Phim hay nhất) ở LHP Busan năm nay - Ảnh: HKFILM
* Có ý kiến cho rằng Cục Điện ảnh hiện nay đang ôm đồm quá nhiều việc. Ở góc độ nhà làm phim, ông nghĩ gì về vai trò của cơ quan này?
- Cục Điện ảnh nên tập trung chính sách để nền điện ảnh này phát triển hài hòa, tăng khả năng cạnh tranh của nền điện ảnh trong nước với quốc tế, nhìn thấy nhân lực yếu phải có kế hoạch đào tạo, xây dựng cơ chế chính sách để thúc đẩy thị trường phát triển... thay vì quanh năm chỉ bận rộn với chuyện duyệt phim.
"Tôi tự kiểm duyệt chính phim của mình"
Với Song Lang, tôi tự biết thân nên phòng xa, đã tự kiểm duyệt sản phẩm của mình một cách thật... quá đáng để trừ hao.
Vì không có một quy định chuẩn để theo nên tôi chỉ tự lên danh sách cho mình theo những kinh nghiệm về kiểm duyệt mà tôi được biết qua các đồng nghiệp.
Danh sách tôi tự đặt ra cũng khá chung chung và mơ hồ, đại khái gói gọn vào những điểm chính như: chính trị, bạo lực, sex, tâm linh và cả... thuốc lá, vì trước đó tôi được biết có một bộ phim phải cắt rất nhiều phân đoạn vì nhân vật nữ chính luôn có điếu thuốc trên môi.
Phim Song Lang
Trên phim trường, trong các phân đoạn cần thiết, tôi đều quay một lần cho nhân vật hút thuốc và một lần không hút thuốc cho chắc ăn. Lỡ mà bị cắt thì tôi có phiên bản khác của cảnh quay để thay thế ngay.
Có lẽ chính vì sự yếu bóng vía, biết thân biết phận của tôi nên khi nhận được những phản hồi từ kiểm duyệt cho Song Lang, tôi khá bất ngờ vì những yêu cầu chỉnh sửa rất ít. Và trái với nhiều suy đoán, Song Lang chưa hề bị yêu cầu cắt bỏ những cảnh thân mật giữa 2 nam chính, vì những phân đoạn này chưa bao giờ có trong kịch bản.
Đạo diễn Leon Lê - Ảnh: NVCC
Trong sáng tạo nghệ thuật, chẳng ai muốn bị gò bó, kiểm soát. Nhưng tôi hiểu tôi là ai, tôi đang ở đâu và cố không để mình bức xúc vào những việc ngoài khả năng. Chỉ nội việc phải tranh đấu với nhà sản xuất ở Việt Nam cũng đủ vắt kiệt sức của tôi rồi.
Đạo diễn LEON LÊ - MI LY ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận