Vắc xin Moderna do Mỹ sản xuất được chuyển đến Nairobi (Kenya) theo cơ chế COVAX - Ảnh: AP
"Tính đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 150 triệu liều vắc xin COVID-19, có thể nói là đảm bảo nhu cầu tiêm chủng trong nước", người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng thông tin trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 9-12.
Theo bà Thu Hằng, có được kết quả này là nhờ nỗ lực và vận động quyết liệt, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, trong đó có cả lãnh đạo cấp cao Việt Nam.
Hiện nay Việt Nam đang thuộc nhóm có tỉ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 cao, tạo cơ sở vững chắc để đất nước chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19.
Tuy nhiên, theo bà Thu Hằng, trong bối cảnh dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể mới như hiện nay, ngoại giao vắc xin sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Điều này nhằm đảm bảo nhu cầu tiêm chủng trong năm 2022, tiếp cận nguồn vắc xin tiềm năng dành cho trẻ em, hỗ trợ sản xuất vắc xin trong nước, đảm bảo nguồn cung và hỗ trợ sản xuất, điều chế thuốc điều trị trong nước.
"Công tác ngoại giao vắc xin cũng được đẩy mạnh để tiếp tục huy động nguồn lực quốc tế, hỗ trợ trang thiết bị y tế, thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế công cộng, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng y tế của Việt Nam", đại diện Bộ Ngoại giao thông tin thêm.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron với hàng chục đột biến đang khiến nhiều nước lo lắng. Hàng chục nhóm khoa học, trong đó có các nhóm thuộc những hãng dược sản xuất vắc xin COVID-19 đã vào cuộc tìm hiểu.
Giới chức y tế một số nước cho biết thông tin sơ bộ biến thể Omicron dễ lây nhưng không gây bệnh nặng, dựa trên tỉ lệ người mắc/nhập viện. Tuy nhiên vẫn có những ý kiến trái chiều về biến thể này trong cộng đồng khoa học.
Hãng dược Pfizer/BioNTech khẳng định những người đã tiêm đủ 2 liều có thể tiêm thêm 1 liều nữa để "gia cố" hệ thống miễn dịch của cơ thể trước Omicron.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận