08/09/2016 08:16 GMT+7

“Việt Nam có tốc độ mở cửa mạnh mẽ nhất ASEAN”

BìNH MINH - N.BÌNH
BìNH MINH - N.BÌNH

TTO - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) Nicolas Du Pasquier đã nhận xét như vậy tại Diễn đàn doanh nghiệp Pháp - Việt tổ chức tại TP.HCM sáng 7-9.

Tổng thống Pháp François Hollande dành nhiều thời gian để giới thiệu, làm cầu nối cho các doanh nghiệp Pháp với lãnh đạo TP.HCM sau khi tiệc chiêu đãi kết thúc - Ảnh: THUẬN THẮNG
Tổng thống Pháp François Hollande dành nhiều thời gian để giới thiệu, làm cầu nối cho các doanh nghiệp Pháp với lãnh đạo TP.HCM sau khi tiệc chiêu đãi kết thúc - Ảnh: THUẬN THẮNG

 

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Cộng hòa Pháp François Hollande tại Việt Nam.

Mong chờ FTA

Theo ông Du Pasquier, với nhiều hiệp định song phương và đa phương được ký kết, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ được áp dụng vào năm 2018, Việt Nam được xem là quốc gia có tốc độ mở cửa mạnh mẽ nhất trong khu vực ASEAN.

Điều này đã giúp Việt Nam đạt được những thành tựu kinh tế đáng kể, với sự tăng trưởng GDP bình quân cả nước đạt hơn 6%/năm thời gian qua.

Thu nhập của người dân được cải thiện, các lĩnh vực hạ tầng, y tế, công nghệ... được đầu tư phát triển mạnh.

Theo chủ tịch CCIFV, hiện có 280 doanh nghiệp Pháp là thành viên đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Quan hệ thương mại Việt - Pháp đạt 2,2 tỉ USD tính đến tháng 7-2016, tăng 10 lần so với năm 1993.

Với EVFTA sắp tới, các doanh nghiệp Pháp kỳ vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội tăng cường hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, giúp Việt Nam đạt được mức tăng trưởng cao hơn và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Ông Nicholas Audier, giám đốc văn phòng luật Audier&Partners, nhấn mạnh: “Khi hiệp định được triển khai, Pháp có khả năng sẽ tham gia các dự án y tế, cơ sở hạ tầng lớn tại Việt Nam.

Các tập đoàn lớn tại châu Âu và công ty luật hiện đã bắt tay vào tìm kiếm thông tin về EVFTA.

Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn chưa nắm hết tình hình nên cần có sự hỗ trợ từ các tổ chức như CCIFV”.

Quốc vụ khanh phụ trách thương mại, thủ công nghiệp, tiêu dùng, kinh tế - xã hội và đoàn kết của Pháp Martine Pinville - người tháp tùng Tổng thống Hollande trong chuyến thăm Việt Nam - đánh giá mức độ mở cửa và hội nhập với quốc tế của Việt Nam và cho biết Pháp luôn ủng hộ các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia.

Ngoài nông nghiệp, y tế, bà Pinville cho rằng phía doanh nghiệp Pháp thuộc các lĩnh vực như giao thông hay công nghệ cũng rất tự tin hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.

Cam kết đáng tin cậy

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định kể từ khi quan hệ song phương đã được nâng lên tầm chiến lược vào tháng 9-2013, cho đến nay Pháp luôn là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu.

Về đầu tư, tính đến hết tháng 7-2016, Pháp có 185 dự án với tổng vốn 848 triệu USD, đứng thứ 10 trong tổng số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại TP.HCM.

Về thương mại, năm 2015 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa TP.HCM và Pháp đạt 746 triệu USD, tăng 8,5% so với năm 2014.

Trong 7 tháng đầu năm 2016, trao đổi thương mại giữa TP.HCM và Pháp đạt hơn 423 triệu USD và năm 2015 TP.HCM đón gần 110.000 du khách Pháp.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng cho biết trong mục tiêu phát triển bền vững, TP.HCM xác định 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 7 chương trình đột phá, trong đó tập trung nâng cao nguồn nhân lực, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế TP.

Ông Nguyễn Thành Phong cam kết với các nhà đầu tư sẽ triển khai mạnh mẽ các giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, tập trung ưu tiên các giải pháp để chống ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường...

Cũng trong sáng 7-9, Tổng thống Pháp François Hollande đã ghé thăm Công ty khởi nghiệp Link By Net (Q.3). Đây là công ty khởi nghiệp của Pháp về lĩnh vực công nghệ thông tin.

Kể từ khi được thành lập tại Việt Nam từ năm 2014, đến nay Link By Net có khoảng 50 nhân viên, chủ yếu là người Việt Nam đã từng học tập, sinh sống tại Pháp hoặc có khả năng nói tiếng Pháp.

Trong cuộc gặp gỡ kéo dài 30 phút, Tổng thống Hollande cũng trò chuyện cùng ban giám đốc và các thành viên công ty để tìm hiểu về hoạt động của các doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam.

 

Tổng thống Pháp: “TP.HCM thật năng động và hiếu khách”

Trưa 7-9, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã tiếp Tổng thống Pháp François Hollande tại dinh Thống Nhất.

Tổng thống Pháp không giấu được ấn tượng trước sự phát triển của Việt Nam, trong đó có sự đóng góp của TP.HCM.

“Sự năng động và hiếu khách của TP.HCM luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng các du khách Pháp” - Tổng thống Hollande chia sẻ.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh hợp tác kinh tế là ưu tiên trong quan hệ song phương Việt - Pháp. Trong đó, TP.HCM trước nay luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và TP có nhu cầu.

“Tôi đề nghị Pháp duy trì các nguồn tài trợ ODA, đặc biệt chú trọng vào các dự án về cơ sở hạ tầng như dự án tuyến metro, hạn chế ngập và cung cấp nguồn nước sạch, môi trường” - Bí thư Thành ủy nêu ý kiến.

Kết thúc chuyến thăm, ông Hollande rời dinh Thống Nhất ra sân bay Tân Sơn Nhất trở về Pháp chiều 7-9.

TRẦN PHƯƠNG

BìNH MINH - N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp