03/04/2025 19:11 GMT+7

Việt Nam có thể ứng phó thuế 46% của Mỹ, chuyên gia quốc tế hướng dẫn ra sao?

Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam có một số lợi thế nhất định khi đàm phán thuế quan với Mỹ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khi muốn chuyển dịch khỏi Việt Nam sẽ cần tính toán về mặt hiệu quả và chi phí.

Việt Nam - Ảnh 1.

Các chuyên gia quốc tế nhận định Việt Nam có nhiều điều kiện để ứng phó với thuế quan của Mỹ - Ảnh: AFP

Sáng 3-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng Mỹ áp lên một loạt các quốc gia, trong đó có Việt Nam với 46%. Mức thuế này rơi vào khoảng khá cao, nhưng nhiều chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm và theo dõi sát thị trường Việt Nam nhận định Việt Nam có nhiều điều kiện để ứng phó với thuế quan của Mỹ.

Doanh nghiệp sẽ thích ứng

Theo đánh giá của ông Rich McClellan, chuyên gia tư vấn độc lập cho chiến lược đầu tư và kinh tế đang hoạt động tại Việt Nam, các mức thuế đối ứng đề xuất này có vẻ là một tín hiệu chính trị hơn là một chính sách kinh tế được thiết kế đầy đủ.

Ông cho rằng các công ty sẽ không có một sự chuyển dịch lớn và ngay lập tức ra khỏi Việt Nam, khi họ còn “kiên nhẫn chiến lược” chờ xem diễn biến tình hình.

“Nhiều công ty sẽ tham gia trực tiếp hoặc thông qua các hiệp hội ngành để thúc đẩy miễn trừ, làm rõ hơn hoặc nhờ can thiệp ngoại giao. Chúng ta sẽ thấy hoạt động vận động hành lang, nhiều chuyến thăm của các phái đoàn và có thể có việc đàm phán lại các điều khoản cho một số lĩnh vực cụ thể”, ông McClellan bình luận.

Chia sẻ chung nhận định, tiến sĩ Jonathan R. Pincus, giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright - Trường đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng các công ty sẽ không ngay lập tức có một sự chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Việt Nam.

Theo tiến sĩ Pincus, việc di dời hay tái cấu trúc chuỗi cung ứng sẽ tốn rất nhiều phí tổn, và các chi phí này sẽ phải được cân đo đong đếm trước khi đưa ra quyết định.

Vị chuyên gia này nói thêm rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thường có xu hướng khó đoán, các doanh nghiệp cũng sẽ chờ cho đến khi có quyết định thuế quan cuối cùng.

Theo ông Pincus, hầu hết các loại hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ không được sản xuất tại Mỹ, vì vậy các ngành yêu cầu lao động sẽ không trở lại nước này.

“Câu hỏi đặt ra hiện nay là chi phí khác biệt cho xuất khẩu tại Việt Nam và các nước có mức lương nhân công thấp khác là gì, khi cả Bangladesh, Campuchia, Indonesia và Thái Lan đều bị đánh thuế cao. Đây mới chỉ là đòn mở màn, các doanh nghiệp sẽ không đưa ra phản ứng nhanh chóng trong tình hình còn tiến triển hiện nay”, ông Pincus chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Đàm phán và chuyển hướng thị trường

Ông Vlad Savin, đối tác tại Công ty Acclime Việt Nam, bình luận rằng Việt Nam đã có cơ sở hạ tầng sản xuất, có lực lượng lao động lành nghề, cùng với nhiều hiệp định thương mại (như CPTPP và RCEP). Các yếu tố này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích các công ty ở lại.

Trong lúc đó, các nhà sản xuất trong nước có thể chuyển hướng sang thị trường thay thế để giảm lượng hàng tồn kho và duy trì mức sản xuất. Tham gia các hiệp định thương mại đã giúp Việt Nam có khả năng tiếp cận các thị trường như Nhật Bản, Canada, Úc và các nước ASEAN khác, nơi có mức thuế thấp hơn thuế quan của Mỹ hoặc không có thuế quan.

Ngoài ra, các công ty trong nước có thể đẩy nhanh nỗ lực khai thác thị trường tiêu dùng đang phát triển của Việt Nam, khi thu nhập của người dân tăng dẫn đến nhu cầu cho hàng hóa nội địa.

Bên cạnh việc chuyển hướng thị trường, các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc Việt Nam phải tích cực đàm phán với Mỹ về thuế quan.

Theo ông McClellan, đây không phải là thời điểm để Việt Nam có phản ứng thụ động, nhưng phải có động thái ngoại giao tích cực, thông điệp rõ ràng và cho thấy sự linh hoạt trong chính sách.

Chung quan điểm, ông Savin cho rằng Việt Nam có lợi thế trong đàm phán khi có tầm quan trọng chiến lược của mình với tư cách là đối tác của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng vẫn sẽ cần có một số nhượng bộ như tăng nhập khẩu từ Mỹ hoặc đề xuất các cơ hội đầu tư.

Việt Nam có thể ứng phó được

Theo quan sát của tiến sĩ Pincus, nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế năng động và ngày càng đa dạng.

Để ứng phó với những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ, Việt Nam sẽ cần một cách tiếp cận linh hoạt, đàm phán theo từng trường hợp nếu có thể và chuẩn bị các phương án thay thế.

"Thuế quan Mỹ là một thách thức cho Việt Nam, nhưng tôi tin đây cũng là thử thách mà nền kinh tế này có thể ứng phó được", ông Pincus cho hay.

Chuyên gia quốc tế: Việt Nam có thể ứng phó được thuế 46% của Mỹ - Ảnh 2.Mặt bằng thuế quan của Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức 46% mà Mỹ sẽ áp dụng

Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng đại diện thương mại Mỹ, mức thuế nhập khẩu bình quân của Việt Nam chỉ là 9,4%. Trong đó phần lớn mặt hàng của Mỹ khi xuất khẩu sang Việt Nam chịu thuế nhập khẩu 15%, hoặc nhỏ hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp