13/05/2024 17:15 GMT+7

Việt Nam có thể mất 14,5% GDP vì biến đổi khí hậu

Nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12-14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050.

Năng lượng tái tạo là lĩnh vực đã hút được lượng vốn lớn từ các tổ chức tài chính quốc tế thông qua cơ chế tài chính xanh - Ảnh: NGỌC HIỂN

Năng lượng tái tạo là lĩnh vực đã hút được lượng vốn lớn từ các tổ chức tài chính quốc tế thông qua cơ chế tài chính xanh - Ảnh: NGỌC HIỂN

Tại hội thảo "Đối tác khí hậu toàn cầu 2024" do Công ty quản lý quỹ toàn cầu responsAbility tổ chức chiều 13-5, các chuyên gia, cơ quan quản lý đều cho rằng cần sớm có các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó cần tận dụng nguồn tài chính xanh của các tổ chức quốc tế.

Biến đổi khí hậu khiến Việt Nam mất đi hàng tỉ đô GDP

Bà Trịnh Thị Hương - phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho biết kinh tế tài chính toàn cầu có thể bị thiệt hại với con số không hề nhỏ vì biến đổi khí hậu, có thể lên đến 38.000 tỉ USD mỗi năm vào năm 2050.

Theo bà Hương, điều này không chỉ ảnh hưởng đến các nền kinh tế phát triển mà còn đặc biệt tác động nặng nề tới các nước đang phát triển như Việt Nam. 

"Với hơn 3.200km bờ biển và các tỉnh, thành phố có địa hình trũng thấp, đồng bằng ven sông, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu", bà Hương nói.

Theo bà Hương, tính toán ban đầu của một nghiên cứu quốc tế gần đây cho thấy Việt Nam mất đi khoảng 10 tỉ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu. 

Nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12-14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến tới 1 triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.

Bà Hương cho hay để thực hiện lộ trình phát triển thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng "0", dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỉ USD từ nay đến năm 2040.

"Rõ ràng là bên cạnh nguồn ngân sách thì rất cần có sự tham gia mạnh mẽ và tích cực của khu vực tư nhân trong nước cũng như các nguồn lực đầu tư tài chính quốc tế. Chính vì vậy, kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, doanh nghiệp, khơi thông nguồn đầu tư tác động thực hiện các mục tiêu bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng", bà Hương nói.

Nguồn tín dụng xanh dồi dào đổ vào Việt Nam

Ông Nguyễn Đức Lệnh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - cho hay Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm đến các chương trình tài chính xanh và có những hạn mức tín dụng phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải carbon cùng hướng tới tăng trưởng xanh.

Theo ông Lệnh, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung huy động các nguồn vốn xanh và triển khai các gói hỗ trợ tài chính chú trọng yếu tố phát triển xanh và bền vững. 

Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng các quy chế và quy trình áp dụng tín dụng xanh không có sự khác biệt với tín dụng thông thường, sự khác biệt ở việc phân loại ngân sách (vốn đầu tư, vốn vay, nợ vay) theo mục đích đầu tư và vận hành của từng dự án.

Đại diện đơn vị tổ chức, ông Bùi Quang Duy - phó giám đốc toàn cầu bộ phận tài chính khí hậu - mảng định chế tài chính (Công ty quản lý quỹ toàn cầu responsAbility) - cho biết đang có nguồn vốn lớn từ các tổ chức tài chính đầu tư vào lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, tài chính xanh… vào các quốc gia, trong đó có Việt Nam. 

Theo ông Duy, hiện responsAbility hỗ trợ các đối tác bằng việc cấp vốn dài hạn và xây dựng năng lực, tư vấn triển khai các chiến lược xanh. 

Đáng chú ý, ông Duy cho hay Việt Nam hiện là thị trường đầu tư lớn thứ hai của quỹ này và quỹ mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác với các đơn vị trong thời gian tới, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng hệ sinh thái xanh hoàn chỉnh tại Việt Nam.

Cần khơi thông các điểm nghẽn tiếp cận vốn

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - giám đốc Văn phòng ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) - cho hay khảo sát cho thấy nhiều doanh nghiệp muốn tiếp cận tài chính xanh, có các dự án xanh nhưng do còn khác nhau về tiêu chí, nhận thức nên các ngân hàng, các quỹ không thừa nhận để rót vốn. Do đó, bà Thủy cho rằng cần khơi thông các điểm nghẽn để doanh nghiệp tiếp cận được các dòng vốn xanh.

Tương tự, ông David Ambadar (Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ) cũng cho rằng cần tận dụng nguồn tài chính xanh, xây dựng các cơ chế và sàn giao dịch để mua bán tín chỉ carbon để tiếp cận thị trường tài chính quốc tế.

Phải chủ động  tham gia thị trường tín chỉ carbonPhải chủ động tham gia thị trường tín chỉ carbon

Nhiều ông lớn đã đến Việt Nam mua tín chỉ carbon thông qua các định chế tài chính, trong khi việc giảm phát thải với các doanh nghiệp Việt là yêu cầu không xa trong cuộc chơi toàn cầu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp