Hiện nay, mặc dù tỷ lệ hiện mắc viêm gan B và viêm gan C có xu hướng giảm dần do tác động của công tác dự phòng, tuy nhiên số người mắc xơ gan, ung thư gan và tử vong do viêm gan B và viêm gan C vẫn tiếp tục tăng lên trong những năm sắp tới. Điều này sẽ làm tăng gánh nặng chăm sóc y tế, chi phí khám, chữa bệnh.
Việt Nam là một trong số ba quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương có số người nhiễm virus viêm gan B và C mạn tính cao nhất.
Ước tính có khoảng 8,7 triệu người bị viêm gan B mạn tính và 1 triệu người bị viêm gan C, gấp gần 40 lần số người nhiễm HIV ở Việt Nam.
Hiện nay, việc tiếp cận điều trị viêm gan còn có những khó khăn và hạn chế, nhất là ở y tế tuyến huyện, xã. Các cơ sở khám, chữa bệnh có đủ năng lực điều trị viêm gan virus chủ yếu ở các bệnh viện tuyến cuối ở thành phố lớn, một số bệnh viện tuyến tỉnh.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận điều trị viêm gan virus C cũng còn gặp khó khăn, nhất là đối với các thuốc kháng virus do các thuốc mới hầu hết là thuốc đắt tiền, chưa được bảo hiểm y tế chi trả hoặc chưa được cấp phép lưu hành ở Việt Nam.
Viêm gan virus B hiện đã có vắcxin phòng bệnh và hiện nay đã có thuốc điều trị hiệu quả. Việc điều trị viêm gan B bằng thuốc kháng virus sẽ làm chậm quá trình tiến triển đến xơ gan và giảm tỷ lệ mắc ung thư gan và cải thiện tỷ lệ sống sót lâu dài.
Viêm gan virus C hiện chưa có vắcxin để dự phòng, tuy nhiên việc điều trị đã có những tiến bộ vượt bậc. Đó là sự ra đời của các thuốc kháng virus trực tiếp nên trên 90% người mắc viêm gan C được điều trị khỏi trong vòng 3-6 tháng.
Để giảm số ca xơ gan, ung thư gan và tử vong do viêm gan virus, các cơ sở y tế cần làm tốt công tác xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị.
Bệnh viêm gan B và C là những bệnh diễn biến thầm lặng, vì thế người dân cần chủ động xét nghiệm để phát hiện sớm, nhất là những người có nguy cơ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận