Đại sứ Ping Kitnikone cho rằng Việt Nam sẽ có nhiều điều để chia sẻ về môi trường biển tại G7 mở rộng. Ảnh: VIỆT DŨNG
Nhận lời mời của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada từ 8-10 tháng 6.
Tuổi Trẻ Online có cuộc trao đổi ngắn với Đại sứ Canada tại Việt Nam bà Ping Kitnikone.
* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo một trong 11 quốc gia được Chính phủ Canada mời tham dự Hội nghị G7 mở rộng ở Quebec sắp tới. Xin bà chia sẻ lý do mời Việt Nam và vai trò của Việt Nam trong chiến lược Châu Á của Canada?
- Môi trường biển là vấn đề toàn cầu. Với tư cách là chủ nhà Thượng đỉnh G7 năm nay, Thủ tướng Canada mong muốn thảo luận vấn đề môi trường biển và Việt Nam là một trong những đối tác đối thoại sẽ trình bày các giải pháp đối phó với vấn nạn ô nhiễm môi trường biển tại G7 mở rộng.
Theo Tạp chí Science, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia đóng góp vào 8 triệu tấn rác thải nhựa ra đại dương mỗi năm. Ngoài ra, hệ sinh thái của Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng của nạn ô nhiễm. Việt Nam cũng là một trong các quốc gia bị tổn thương nhiều nhất do biến đổi khí hậu. Do vậy tôi cho rằng Việt Nam sẽ có nhiều kinh nghiệm muốn chia sẻ cho cộng đồng quốc tế tại Hội nghị G7 lần này, qua đó chúng ta có thể cùng nhau đạt được tiến bộ trong lĩnh vực này.
*Nhân dịp dự G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ kết hợp thăm làm việc tại Canada. Đâu là những chủ đề thảo luận chính giữa Thủ tướng hai nước?
- Tôi không thể dự đoán đâu là những chủ đề thảo luận chính bởi vì nó chưa diễn ra (cười). Những gì tôi có thể nói là năm nay chúng ta kỷ niệm 45 kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao và hai quốc gia đã đạt được cột mốc thiết lập Đối tác Toàn diện trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Justin Trudeau tháng 11 năm 2017.
Trong khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện, các chủ đề thảo luận giữa hai nước rất rộng, bao gồm: chính trị, kinh tế, thương mại, an ninh - quốc phòng, khoa học, đổi mới, và trao đổi văn hoá.
Ngoài ra, có khoảng 250.000 người gốc Việt ở Canada, đóng góp quan trọng cho giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Canada có mối quan hệ thương mại lâu dài với nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam là một đối tác rất quan trọng. Ảnh: VIỆT DŨNG
* Đại sứ đánh giá thế nào về tầm quan trọng của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới mà Việt Nam và Canada cùng là thành viên?
- CPTPP là một nền tảng rất quan trọng, bao gồm những tiêu chuẩn rất cao về thương mại và đầu tư. Canada có mối quan hệ sâu sắc với nhiều nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và bản thân chúng tôi cũng là một thành viên của khu vực này, do đó chúng tôi có nhiều lợi ích, cả về đối ngoại, kinh tế và chiến lược trong khu vực.
Một điểm thú vị của CPTPP là hiệp định này chú trọng vào các công cụ chính sách thương mại. Các thành viên của CPTPP có vị trí địa chính trị đa dạng, trong đó Việt Nam là một đối tác quan trọng của Canada. Chúng tôi cũng đang đàm phán hiệp định thương mại tự do với ASEAN. Chúng tôi có mối quan hệ thương mại lâu dài với nhiều quốc gia trong khu vực này.
Ngoài CPTPP, Canada và Việt Nam đều cùng là thành viên của nhiều diễn đàn quốc tế khác, trong đó có Diễ đàn Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (APEC) mà Việt Nam tổ chức rất thành công vào tháng 11 năm ngoái, Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế Giới (WTO)…
G7 mở rộng tập trung 3 nhóm giải pháp
Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay với chủ về các đại dương sẽ tập trung thảo luận 3 nhóm vấn đề chính, bao gồm:
1. Xây dựng khả năng chống chịu, tính ứng phó của các cộng đồng ven biển (kế hoạch thích ứng, khả năng chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp, các quỹ ưu đãi, cơ sở hạ tầng, và năng lượng sạch…)
2. Hỗ trợ phát triển nghề cá bền vững và bảo vệ môi trường đại dương (chống đánh bắt cá trái phép, bảo tồn tài nguyên biển, chia sẻ dữ liệu)
3. Thúc đẩy các giải pháp xử lý rác thải nhựa ở các đại dương.
11 khách mời dự G7 mở rộng bao gồm: Argentina, Bangladesh, Haiti, Jamaica, Kenya, Quần đảo Marshall, Na Uy, Rwanda, Senegal, Seychelles, Nam Phi, và Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận