Ông Lê Anh Dũng, phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, đã cho biết như trên tại họp báo "Ngày không tiền mặt" 2024 với chủ đề "Thúc đẩy phát triển thanh toán không tiền mặt an toàn" diễn ra vào chiều nay, 28-5. Sự kiện do báo Tuổi Trẻ phối hợp Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước tổ chức.
Thanh toán không tiền mặt tăng trưởng cao
Theo ông Lê Anh Dũng, những con số tăng trưởng cao, tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt đã cho thấy sự phổ cập dịch vụ ngân hàng và thành công trong tạo lập, phát triển hệ sinh thái số. Số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet và Mobile bình quân giai đoạn 2021-2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%; tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 170%.
Về mở tài khoản qua phương thức eKYC, 40 ngân hàng báo cáo đã triển khai chính thức với gần 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động.
Trong 2 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã hợp tác với Ngân hàng Trung ương một số nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Campuchia và Lào triển khai thử nghiệm các kết nối thanh toán song phương qua mã QR Code nhằm thúc đẩy thanh toán bán lẻ xuyên biên giới qua mã QR code giữa Việt Nam và các nước.
Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền một số chính sách, quy định tạo thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt như Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Các tổ chức tín dụng 2024, nghị định 52 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt có hiệu lực thi hành từ 1-7-2024.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã nghiên cứu, ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Mới nhất là quyết định 2345 về các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng theo hướng cân đối giữa xác thực khách hàng mạnh và trải nghiệm khách hàng xuyên suốt…
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thành lập tổ công tác và ban hành Kế hoạch 01 của ngành ngân hàng triển khai Đề án 06. Hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt liên tục được quan tâm đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng tiện ích, nâng cao năng lực xử lý.
Từ đó phục vụ tốt nhu cầu của các thành viên hệ thống và qua đó đáp ứng tốt nhu cầu và kỳ vọng ngày càng cao của người dùng cuối là người dân, doanh nghiệp đối với các sản phẩm, dịch vụ ngành ngân hàng.
Một số con số minh chứng cho nhận định này như: số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân hơn 23,5%/năm và xử lý giá trị thanh toán bình quân 830.000 tỉ đồng/ngày.
Số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng bình quân hơn 145,8%/năm và bình quân xử lý khối lượng thanh toán dao động từ 20 - 25 triệu giao dịch/ngày.
Triển khai nhiều giải pháp an toàn cho thanh toán không tiền mặt
Bên cạnh đó có nhiều phương thức, dịch vụ thanh toán mới, nổi bật nhất có thể kể đến phương thức, dịch vụ thanh toán qua mã phản hồi nhanh (QR Code) và thanh toán thẻ chip phi tiếp xúc (Chip Contactless), thanh toán di động qua giao tiếp trường gần (NFC).
Bên cạnh đó, hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số của ngành ngân hàng với mũi nhọn là dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán được kết nối liên thông, tích hợp liền mạch, “được nhúng” vào các hệ thống, dịch vụ của các ngành, lĩnh vực khác, đưa dịch vụ ngân hàng an toàn, tiện ích đến gần với người dân, doanh nghiệp hơn nữa.
Về đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho hoạt động thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên có các văn bản chỉ đạo toàn ngành về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán, trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán rà soát quy trình, quy định nội bộ.
Ưu tiên áp dụng mở tài khoản thanh toán/ví điện tử bằng phương tiện điện tử (eKYC) đối với khách hàng sử dụng CCCD gắn chip. Tăng cường công tác quản lý rủi ro, thực hiện hậu kiểm 100% đối với các tài khoản/ví điện tử mở bằng eKYC…
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức kiểm tra về an toàn hệ thống thông tin và hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại nhiều tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán. Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trong ngành ngân hàng làm tốt công tác truyền thông để nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, phòng chống lừa đảo, gian lận thanh toán cho toàn thể cán bộ ngành ngân hàng và khách hàng.
Và cuối cùng, ngành ngân hàng đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06 ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ cho công tác làm sạch dữ liệu, xác minh thông tin khách hàng thông qua căn cước công dân gắn chip, tài khoản VneID và hỗ trợ trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Đến nay đã có 60 tổ chức tín dụng đang triển khai ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip qua thiết bị tại quầy (25 tổ chức tín dụng đã triển khai chính thức); 48 tổ chức tín dụng đang triển khai qua ứng dụng di động (15 tổ chức tín dụng đã triển khai chính thức); 22 tổ chức tín dụng đang triển khai ứng dụng tài khoản VNeID;…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận