Người đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Thống nhất, TP.HCM - Ảnh: LAN ANH
Báo cáo Y tế số tại Việt Nam công bố ngày 20-1 ghi nhận tính đến năm 2018, Việt Nam có 77.995 bác sĩ và 128.386 y tá trên toàn quốc. Đây là con số còn khiêm tốn so với tổng dân số cả nước, tức chưa đến 1 bác sĩ và 2 y tá/1.000 người dân.
Báo cáo do KPMG - công ty chuyên cung cấp các dịch vụ kiểm toán, thuế, tư vấn và pháp lý, và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) cùng phối hợp thực hiện.
"Các vấn đề về sức khỏe tại Việt Nam đang chuyển đổi từ lây nhiễm sang không lây nhiễm. Xu hướng này sẽ tiếp tục. Đây là điều tạo ra nhu cầu lớn hơn cho các dịch vụ chăm sóc y tế dài hạn và liên kết cao, đặc biệt dành cho các căn bệnh mãn tính", báo cáo nhận định.
Theo nghiên cứu của Fitch Solutions, chi tiêu cho y tế của Việt Nam tính đến năm 2019 chiếm 6% GDP. Tỉ lệ này cao hơn hẳn một số quốc gia trong khu vực như Philippines (4,6%), Malaysia (4%), Indonesia (3,7%) và Thái Lan (3,7%).
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính các bệnh không lây nhiễm chịu trách nhiệm 77% các trường hợp tử vong và khuyết tật ở Việt Nam. Trong đó, bệnh tim mạch và ung thư là hai nguyên nhân chính dẫn đến tử vong khi còn trẻ tuổi và gánh nặng bệnh tật.
Các chuyên gia của KPMG và OUCRU đánh giá Việt Nam có thị trường lớn dành cho công nghệ y tế. Gần một nửa dân số trong độ tuổi làm việc của Việt Nam là dưới 34 tuổi. Đây là điều kiện thuận lợi để ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Dù vậy, KPMG và OUCRU nhìn nhận cơ cấu dân số vàng của Việt Nam cũng tiềm tàng nguy cơ già hóa dân số nhanh chóng.
"Số dân từ 65 tuổi trở lên tăng nhanh hơn sẽ tạo ra gánh nặng cho các cơ sở khám chữa bệnh và nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc. Điều này sẽ đặc biệt nghiêm trọng đối với việc cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi trong nước", báo cáo Y tế số tại Việt Nam ghi nhận.
Các chuyên gia vì thế cho rằng y tế số là giải pháp phù hợp để giải quyết những thách thức này.
Điển hình, khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) có thể giúp tạo ra một lối sống lành mạnh, cũng như khuyến khích các biện pháp phòng tránh thông qua việc giám sát nguy cơ của bệnh nhân trong các giai đoạn tiền bệnh.
Trong khi đó, ứng dụng kho dữ liệu khổng lồ Big Data và trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế số sẽ tạo ra kho dữ liệu dựa trên dân số, theo thời gian thực. Những thông tin này sẽ giúp tránh hoặc giảm thiểu các bệnh không lây nhiễm, đồng thời cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận