29/08/2019 06:31 GMT+7

Việt Nam chưa có bệnh viện nào giúp sinh con dưới nước

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Mới đây, thông tin về một phụ nữ người Việt sống tại Philippines đã tự đến một bệnh viện ở đây để sinh con dưới nước và ca sinh đã diễn ra rất thuận lợi.

Việt Nam chưa có bệnh viện nào giúp sinh con dưới nước - Ảnh 1.

Sản phụ chuẩn bị sinh con dưới nước - Ảnh: COLLECTIVE-EVOLUTION/Edelimmersys

Hiện nay phương pháp sinh con dưới nước chưa được Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến khích nhưng cũng không cấm.

TS Lê Văn Hiền

Thông tin này đã được nhiều thai phụ quan tâm với câu hỏi sinh con dưới nước liệu có tốt hơn phương pháp sinh con kinh điển như hiện nay?

Ít nơi thực hiện

TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), cho biết hiện nay tại Việt Nam chưa có bệnh viện nào triển khai sinh con dưới nước. 

Phương pháp sinh con dưới nước được coi là tốt vì những nơi triển khai dịch vụ này giới thiệu phương pháp này giúp bà mẹ đỡ đau, giảm stress... 

Tuy nhiên, bác sĩ Diễm Tuyết cho biết bác sĩ chưa có ý định triển khai phương pháp này tại Bệnh viện Hùng Vương vì bệnh viện chưa đủ điều kiện vật chất đỡ thai phụ sinh con dưới nước. 

Nếu triển khai phương pháp này đòi hỏi phòng sinh phải rộng, đảm bảo vô trùng, bồn nước phải đảm bảo vệ sinh và nước trong bồn phải đảm bảo một nhiệt độ vừa với thân nhiệt trẻ, kỹ thuật đỡ sinh như thế nào để tránh ngạt nước ở trẻ.

TS Diễm Tuyết cho hay, trong những lần đi công tác đến các nước bạn, bác sĩ cũng thấy một số quốc gia áp dụng phương pháp sinh con dưới nước như Nhật, Singapore... Tuy nhiên, chỉ rất ít cơ sở y tế triển khai phương pháp sinh con này. Và chỉ những thai phụ sinh thường mới có thể sinh con theo phương pháp này.

Theo Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ, lợi ích của việc ngâm mình trong nước ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển dạ nhằm giúp cho sản phụ giảm đau, rút ngắn thời gian chuyển dạ, hạn chế sự can thiệp của các thuốc gây tê, nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy nó thật sự cải thiện các biến cố trong giai đoạn này. 

Tính an toàn của phương pháp này ở giai đoạn thứ hai của quá trình chuyển dạ (giai đoạn sổ thai) cũng chưa được kiểm chứng, chưa cho thấy nó thật sự đem lại lợi ích cho sản phụ và thai nhi.

Bên cạnh đó, tương tự các ca sinh thường, đã có những báo cáo ở nước ngoài cho thấy một vài trường hợp sinh con dưới nước xảy ra các biến chứng nặng cho trẻ như hít sặc, ngợp nước, nhiễm trùng, hạ natri máu, đứt dây rốn, thậm chí gây tử vong.

Việt Nam chưa có bệnh viện nào giúp sinh con dưới nước - Ảnh 3.

Sản phụ chuẩn bị sinh con dưới nước - Ảnh: COLLECTIVE-EVOLUTION/Edelimmersys

Dành cho thai phụ dễ sinh

Theo TS Lê Văn Hiền - cố vấn cấp cao Bệnh viện Hạnh Phúc, chỉ những sản phụ sinh thường, sinh nhanh mới có thể áp dụng phương pháp sinh con dưới nước. 

Nếu áp dụng phương pháp sinh con dưới nước không đúng, không nghiêm ngặt có thể gây ra nhiều tác hại. Nước trong bồn sinh phải đảm bảo sạch, nếu không sản phụ dễ bị nhiễm trùng; sinh con trong nước cũng làm sản phụ dễ bị chảy máu nhiều, gây băng huyết. Và khi trẻ chào đời ở trong nước nếu không theo dõi kỹ cũng dễ bị ngạt nước.

TS Hiền cho biết bệnh viện đã mời một đội ngũ y bác sĩ từ Mỹ về để chia sẻ phương pháp sinh con dưới nước. Và các bác sĩ đã được chia sẻ rằng phương pháp sinh con dưới nước chỉ nên hiểu là một phương pháp sinh con giúp bà mẹ thư giãn, giảm đau, thoải mái hơn, nó như một sự trải nghiệm của bà mẹ chứ không được coi là một phương pháp y khoa chính thống. 

Và nếu thai phụ có mong muốn sinh con dưới nước, các bác sĩ phải tư vấn kỹ cho thai phụ về phương pháp này, đồng thời các bác sĩ cũng phải sàng lọc thai phụ rất kỹ mới có thể thực hiện sinh con dưới nước.

Thai phụ phù hợp mới nên sinh dưới nước

Trang web của Trung tâm Quốc gia về thông tin công nghệ sinh học (NCBI) đăng kết quả nghiên cứu khảo sát với 1.825 ca sinh con dưới nước tại một cơ sở trong thời gian 9 năm và so sánh giữa phương pháp sinh con dưới nước, các phương pháp sinh con truyền thống khác của nhóm các nhà khoa học Ý.

Họ nhận thấy các trường hợp sinh con dưới nước thường giúp rút ngắn đáng kể giai đoạn lâm bồn đầu tiên, tỉ lệ phải rạch tầng sinh môn cũng thấp hơn, giảm yêu cầu gây tê khi so sánh với các tình huống sinh nở truyền thống khác. Nếu thai phụ phù hợp để sử dụng phương pháp này, có vẻ như sinh con dưới nước lại an toàn cho cả mẹ và con.

D.KIM THOA

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp